Vietstock - Ả-rập Xê-út cắt giảm mạnh hơn dự báo, sản lượng dầu của OPEC lao dốc
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giảm sản lượng trong tháng 12/2018, mang lại một tín hiệu lạc quan cho thị trường dầu, trước khi tổ chức này chính thức bắt đầu cắt giảm sản lượng từ tháng 1/2019.
Tháng trước, OPEC đã tiến tới một thỏa thuận với Nga và 9 quốc gia khác để cắt giảm tổng cộng 1.2 triệu thùng/ngày ra khỏi thị trường dầu kể từ tháng 1/2019. Liên minh OPEC+ đang cố gắng ngăn chặn tình trạng dư cung toàn cầu – đã từng một thời khiến giá dầu lao dốc không phanh. Giá dầu thô rớt mạnh trong quý 4/2018, làm gợi nhớ lại những kỷ ức đau thương trong giai đoạn 2014-2016.
14 quốc gia thuộc OPEC đã cắt giảm sản lượng trong tháng 12/2018. Nguồn cung từ OPEC giảm 751,000 thùng/ngày xuống 31.6 triệu thùng/ngày, dựa trên số liệu độc lập từ OPEC và báo cáo định kỳ của tổ chức này.
Nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Ả-rập Xê-út là quốc gia đóng góp nhiều nhất vào đợt giảm sản lượng này. Sản lượng của Ả-rập Xê-út giảm 468,000 thùng/ngày xuống chỉ hơn 10.5 triệu thùng/ngày trong tháng trước, số liệu độc lập cho thấy. Dữ liệu do Riyadh cung cấp cho thấy sản lượng Ả-rập Xê-út giảm 450,000 thùng/ngày xuống hơn 10.6 triệu thùng/ngày.
Khi OPEC thông báo về thỏa thuận cắt sản lượng, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Khalid al Falih, lúc đầu cho biết sản lượng của quốc gia ông sẽ giảm xuống 10.7 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2018, từ mức kỷ lục 11.1 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2018. Ả-rập Xê-út đang nhắm tới ngưỡng 10.2 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2019.
Sản lượng của OPEC còn giảm mạnh vì tình trạng gián đoạn nguồn cung ở Libya và Iran.
Sản lượng tại Libya giảm 172,000 thùng/ngày xuống 928,000 thùng/ngày trong tháng 12/2018, sau khi một nhóm biểu tình có vũ trang và những người lao động khổ sở đã chiếm lấy mỏ dầu lớn nhất ở quốc gia này.
Ở Iran, sản lượng giảm thêm 159,000 thùng/ngày xuống dưới 2.8 triệu thùng/ngày, khi quốc gia này vẫn còn bị tác động bởi lệnh trừng phạt từ Mỹ. Từ quốc gia sản xuất lớn thứ ba của OPEC, Iran giờ chỉ còn là nhà sản xuất lớn thứ năm, tụt lại phía sau các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Kuwait trong tháng 12/2018.
Iraq chứng kiến sản lượng nhảy vọt trong tháng 12/2018. Sản lượng nước này tăng 88,000 thùng/ngày lên hơn 4.7 triệu thùng/ngày. Tại mức này, Iraq sẽ cần phải cắt giảm 200,000 thùng/ngày trong tháng 1/2019 để đáp ứng hạn ngạch theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Iraq – quốc gia sản xuất lớn thứ hai của OPEC – thường bơm dầu hơn hạn ngạch trong đợt cắt giảm sản lượng lần trước.
Tháng 12/2018 cũng đánh dấu báo cáo định kỳ đầu tiên của OPEC sau sự ra đi của Qatar.
Loại trừ Qatar, OPEC dự báo nhu cầu đối với dầu của OPEC sẽ đạt mức trung bình 30.8 triệu thùng/ngày trong năm 2019, thấp hơn 900,000 thùng/ngày so với năm 2018. Nhu cầu dầu OPEC đã giảm khoảng 1.2 triệu thùng/ngày trong năm 2018.
Sự hợp tác của nhóm OPEC+ là “cần thiết”
Dự báo tăng trưởng nguồn cung và nhu cầu dầu của OPEC phần lớn không đổi so với báo cáo lần trước. Nhóm này dự báo lượng tiêu thụ dầu trên thế giới sẽ tăng thêm 1.29 triệu thùng/ngày lên hơn 100 triệu thùng/ngày.
OPEC đã điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng sản lượng của các nước ngoài OPEC, nhưng vẫn dự báo tăng trưởng nguồn cung năm 2019 ở mức 2.1 triệu thùng/ngày, cao hơn đà tăng của nhu cầu.
Trong báo cáo cuối cùng của năm 2018, OPEC nhấn mạnh tới đà tăng lãi suất tại Mỹ và việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở những nơi khác trên thế giới. OPEC lưu ý rằng các nhà lãnh đạo NHTW trên thế giới chuẩn bị hãm phanh quá trình thắt chặt tiền tệ trong năm 2019, qua đó có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thị trường dầu.
“Mặc dù rủi ro kinh tế vẫn nghiêng về hướng suy giảm, nhưng khả năng điều tiết trong quá trình thắt chặt tiền tệ được cho là sẽ làm ngăn chặn xu hướng giảm tốc kinh tế trong năm 2019”, OPEC cho hay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)