Vietstock - Hết xăng, còn trách nhiệm
Mấy ngày gần đây, tại các cây xăng trên một đoạn đường thuộc quận 7, TPHCM, cảnh người đi xe chen chúc chờ đổ xăng tái diễn đúng như cảnh báo cho rằng tình trạng đó sẽ khó chấm dứt ngay được.
Trên đoạn đường này có ba cây xăng thì một treo bảng “hết xăng, còn dầu”, hai chỉ bán 50.000 đồng mỗi xe. Khách hàng xếp hàng chờ đến lượt mình, nhiều người thở dài ngao ngán nhưng cũng chẳng biết phải làm gì khác. Thôi thì đành chịu vậy, chạy đỡ 50 ngàn rồi tính tiếp chứ sao giờ, có người nói.
Lại có người nghĩ nếu chỉ tính trên đoạn đường này, ba cây xăng thì một hết xăng, nghĩa là tỷ lệ một phần ba, chứ không phải là một phần trăm như một tư lệnh ngành đã quả quyết.
Vậy thì ai đúng, ai sai? Vấn đề là chúng ta sử dụng “hệ quy chiếu” nào – “hệ quy chiếu” quốc gia, “hệ quy chiếu” địa phương hay “hệ quy chiếu” đoạn đường?
Nhưng dùng “hệ quy chiếu” nào cũng cần nhớ rằng người ở Sài Gòn đâu thể nào chạy xe xuống Cà Mau hay ra Khánh Hòa hoặc Điện Biên mà đổ xăng được! Cho nên, tuy ông tư lệnh ngành nói cũng đúng là “chỉ có một phần trăm cây xăng thiếu xăng”, người đổ xăng trên đoạn đường nói trên cứ bảo “phải lên đến một phần ba” cũng không sai, nếu xét đến ngữ cảnh của họ.
Lại nhớ đến lời của ông tư lệnh ngành cho rằng một phần nguyên nhân khan hiếm xăng ở TPHCM và một số tỉnh phía Nam là do các địa phương này “có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả”.
Phát biểu bên trên rất có sức nặng ở chỗ nó chỉ ra vấn đề có thể nằm ở đâu. Đối với người viết, nó còn “nặng” vì chứa hai từ “lậu” và “giả”. Sở dĩ nói như vậy bởi nếu “lậu” hay “giả” thì đó hàm ý đã phạm pháp. Và nếu đã biết rõ hành vi phạm pháp đó sao không kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn, hay chí ít cũng phải gõ cửa cơ quan chức năng hay cấp cao hơn nhờ can thiệp?
Phạm pháp đâu phải chuyện đùa. Đó là chưa kể, xét đến trách nhiệm quản lý ngành, sao lại chần chừ không can thiệp hay can thiệp không đến nơi đến chốn, để rồi xảy ra sự cố mới nêu vấn đề. Thành ra, nói gì thì nói, trách nhiệm của bộ quản lý ngành cũng khó thoái thác.
Mong mỏi của người dân là làm sao chấm dứt tình trạng “hết xăng, còn dầu” càng sớm càng tốt và ngăn không cho tái diễn. Tuy nhiên, cho đến nay dường như vẫn chưa thấy phương cách giải quyết dứt điểm. Dưới góc độ này, bộ quản lý ngành cũng khó chối trách nhiệm.
Nhân đây cũng xin nói thêm là khi người dân gặp khó khăn, cần sự giúp đỡ và kêu cứu, người có trách nhiệm nên xem xét và – nếu dân kêu đúng – thì nên thông cảm với họ, đứng về phía họ, bảo vệ họ. Nói nôm na, cũng giống như khi người bệnh Covid-19 gặp bác sĩ nói rằng “tôi đau quá bác sĩ ơi”, bác sĩ lại bảo “ông đau là tại con virus corona chứ có phải tại tôi đâu, than với tôi làm gì!” Nếu bác sĩ bảo vậy, bệnh nhân chắc càng đau đớn hơn.
Xin kết bài viết ngắn này bằng ý kiến như sau: trong cuộc “khủng hoảng” này, cây xăng có thể treo bảng “hết xăng, còn dầu”, nhưng quan chức liên quan chỉ có thể treo bảng “hết xăng, còn trách nhiệm”.
Quỳnh Thư