Vietstock - Giá cá tra tăng mạnh
Suốt hơn 2 năm qua, giá cá tra nguyên liệu chỉ tương đương trên dưới mức giá thành sản xuất, dao động từ 20.000-23.000 đồng/kg, thậm chí có nhiều thời điểm dưới 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khoảng gần 1 tháng nay, nhất là từ sau Tết Nguyên đán, giá cá tra đã tăng mạnh trở lại và hiện đã chạm mốc 30.000 đồng/kg…
Bà Đào Thúy Phượng (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho biết, cách đây hơn 2 tuần đã bán ao cá giống với giá 39.000 đồng/kg (loại 35 con/kg). Theo bà Phượng, giá cá bắt đầu lên từ khoảng ngày 10 tháng Chạp năm Tân Sửu (tức 10/1/2022). Hôm 25 tháng Chạp, bà cũng đã bán một đợt cá giống với giá 35.500 đồng/kg.
Nếu tính từ tháng 9 năm ngoái tới nay thì giá cá tra giống đã tăng từ 15.000-17.000 đồng/kg. Với mức giá hiện nay là 37.000-40.000 đồng/kg (30-35 con/kg), người nuôi cá giống thu lãi khoảng 15.000-17.000 đồng/kg.
Không chỉ cá giống, giá cá tra thịt cũng tăng vọt. Theo một hộ nuôi ở Đồng Tháp, giá cá tra nguyên liệu mấy ngày nay đã tăng lên mức 29.000-30.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với cách đây khoảng 1 tháng và tăng khoảng 8.000-9.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Cảnh Kỳ |
Ông Chương Văn Khanh (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cho biết, giá cá tra bắt đầu tăng trở lại từ cuối năm 2021 và tăng mạnh ngay sau Tết Nguyên đán 2022. Một số công ty chế biến thủy sản chào mua cá của nông dân với giá 30.000 đồng/kg. Với mức này người nuôi có lãi khoảng 5.000 đồng/kg.
Đang chuẩn bị thu hoạch ao cá tra với sản lượng khoảng 500-600 tấn, tuy nhiên, do ao cá đã được ký hợp đồng nuôi gia công, chốt giá với doanh nghiệp từ lúc mới thả nuôi nên ông Khanh sẽ không được hưởng lợi theo đợt tăng giá này.
Về nguyên nhân giá cá tra tăng mạnh, theo các hộ nuôi, do nhiều người lỗ kéo dài nên đã “treo ao,” trong khi nhu cầu xuất khẩu hiện đang rất lớn đã đẩy giá cá lên cao.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hai năm bị tác động bởi đại dịch COVID-19 khiến người nuôi cá tra lỗ nhiều, một số người không tiếp tục thả nuôi mới, số còn lại cũng chỉ cầm chừng, không phát triển được, dẫn đến thiếu hụt dần lượng cá nguyên liệu cung cấp cho thị trường.
Trong khi đó, nhu cầu thị trường đối với mặt hàng cá tra đang lên cao, đặc biệt là thị trường Mỹ có giá xuất khẩu tốt nên các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua. Các thị trường khác cũng đang khan hiếm do lượng hàng dự trữ trước đó đã cạn…
Theo ông Quốc, năm 2022 dự báo sẽ rất khả quan. Tuy nhiên, việc thả nuôi mới cần có sự kiểm soát, bởi nếu làm ồ ạt dẫn đến nguồn cung dư thừa thì chu kỳ rớt giá sâu có thể sẽ tái lập vào đầu năm 2023 như đã từng xảy ra sau khi lập kỷ lục vào năm 2018.
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Cảnh Kỳ |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đại dịch COVID-19 hoành hành khiến ngành cá tra lao đao trong năm 2021. Tuy nhiên, nhờ tăng đột phá trong tháng 12, với mức tăng trưởng khoảng 80%, đạt khoảng 245 triệu USD, xuất khẩu (XK) cá tra cả năm 2021 đã về đích vượt xa dự đoán với trên 1,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2020.
Năm 2021 được xem là năm thành công của cá tra tại thị trường Mỹ khi giữ được mức tăng trưởng cao trong cả năm, tăng cả về lượng và giá XK. Dự kiến năm 2022, XK sang thị trường Mỹ vẫn sẽ ổn định.
Bên cạnh đó, các thị trường tiềm năng như Mexico, Brazil, Colombia, Nga, Ai Cập… có thể được kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và có thể bù đắp phần nào cho sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc và Châu Âu.
Theo Bộ NN&PTNT, dựa trên những kết quả đạt được trong năm 2021, ngành hàng cá tra đặt mục tiêu cho năm 2022 với diện tích thả nuôi đạt trên 5.200ha; sản lượng cá tra thương phẩm đạt trên 1,7 triệu tấn; kim ngạch XK đạt trên 1,6 tỷ USD.
Cảnh Kỳ