Vietstock - Cuộc khủng hoảng kế tiếp có thể xuất phát từ xung đột thương mại Mỹ-Trung và lãi suất?
Các rắc rối kinh tế ở các thị trường mới nổi và cuộc xung đột thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng làm gia tăng rủi ro xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính kế tiếp. Đây là nhận định của ông Heenam Choi, Giám đốc điều hành của quỹ quản lý tài sản quốc gia Hàn Quốc – Korea Investment Corporation (KIC).
Heenam Choi, Giám đốc điều hành của quỹ quản lý tài sản quốc gia Hàn Quốc – Korea Investment Corporation (KIC)
|
Tại Hội nghị thượng đỉnh Singapore thường niên, ông Heenam Choi cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác đang muốn thắt chặt chính sách tiền tệ của họ, qua đó có thể dẫn tới tình thặt thắt chặt thanh khoản đột ngột ở một số thị trường mới nổi.
Tình trạng thắt chặt thanh khoản (liquidity squeeze) là cần thiết khi các điều kiện kinh tế ở một quốc gia bị thắt chặt quá mức, và hoạt động đi vay trở nên khó khăn hơn, qua đó làm giảm lượng tiêu thụ và đầu tư, rồi cuối cùng là tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, lãi suất Mỹ đang tăng dần và các ngân hàng trung ương trên thế giới đang dần rút khỏi các chính sách tiền rẻ - vốn được đưa ra trong suốt giai đoạn khủng hoảng tài chính từ 10 năm về trước.
“Bên cạnh các điều kiện kinh tế thắt chặt hơn, còn có những yếu tố phi kinh tế: Ý tôi là chiến tranh thương mại, tranh chấp thương mại, rủi ro địa chính trị có thể là danh sách các yếu tố tiềm ẩn có thể tác động tới nền kinh tế toàn cầu”, Choi cho biết, đồng thời nói thêm xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không dễ chịu chút nào.
“Về vấn đề đó, tôi hơi tiêu cực một chút”, ông Choi nhận định về vòng xoáy thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và phần lớn sản phẩm xuất khẩu đều là những hàng hóa trung gian (sau đó được Bắc Kinh chế biến và bán lại cho phần còn lại của thế giới).
Ông Choi chia sẻ, nếu xung đột thương mại leo thang và kim ngạch xuất khẩu Trung Quốc bị tác động nghiêm trọng bởi các hàng rào thuế quan của Mỹ, thì rồi nó cũng sẽ tác động tới kim ngạch xuất khẩu của chính Hàn Quốc.
Thật vậy, trong tháng 7/2018, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc lên tiếng cảnh báo rằng, chiến tranh thương mại có thể gây ra rủi ro suy giảm nghiêm trọng cho một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Hàn Quốc, nếu tác động này lan ra khắp thị trường toàn cầu. Thế nhưng, Bộ Thương mại Hàn Quốc lại cho biết, xung đột thương mại có thể có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực lên Hàn Quốc, vì một số hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế có thể được thay thế bởi hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc, Reuters ghi nhận.
Tính từ tháng 7/2018 cho tới nay, Mỹ và Trung Quốc đã áp hàng rào thuế quan lên 50 tỷ USD hàng hóa lẫn nhau. Chưa dừng lại ở đó, gần đây, ông Trump cho biết ông sẵn sàng áp thêm thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tức bao gồm gần như tất cả hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ.
Dù vậy, 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ông Choi cho rằng nền kinh tế thế giới đã an toàn hơn trước kia, và các quốc gia này được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với cuộc suy thoái kế tiếp. Theo quan điểm của ông Choi, điều này rất đúng đối với các thị trường mới nổi – những thị trường đã dành phần lớn thời gian trong 10 năm qua để thực hiện cải cách cấu trúc để giúp nền kinh tế của họ trở nên mạnh hơn.
“Mặc dù có một vài quốc gia đang chịu tổn thương từ các cú sốc bên ngoài… nhưng các thị trường mới nổi đang chuẩn bị rất tốt về tính an toàn”, ông cho hay.
Vũ Hạo (Theo CNBC)