Vietstock - Vụ án ông Đinh La Thăng: Ở PVC 'đưa tiền thoải mái, không cần giấy tờ'
Ký hợp đồng hàng tỉ USD sơ sài vài trang giấy, buộc chuyển tiền từ cấp dưới về cho lãnh đạo không cần quy định, đưa nhận hàng tỉ đồng không cần mảnh giấy...
Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh đang trả lời các câu hỏi của HĐXX. Ảnh: Gia Minh
|
Tại phiên xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) sáng nay, HĐXX đã thẩm vấn các bị cáo về phương thức chuyển tiền giữa các đơn vị và cả các khoản tiền "chung chi" cho Trịnh Xuân Thanh.
Tiền tiêu cực nộp theo chỉ đạo
Chủ toạ phiên toà hỏi bị cáo Nguyễn Anh Minh - nguyên phó tổng giám đốc PVC - về quá trình thực hiện các dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và Vũng Áng, Quảng Trạch cùng những hồ sơ khống rút tổng cộng hơn 10 tỉ đồng để tham ô.
Bị cáo Minh nói: "Dự án Vũng Áng thì đã được trình cho HĐQT nên ban điều hành chỉ thực hiện chứ không cần xin ý kiến. Riêng dự án Quảng Trạch, chưa có nên sau khi các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận đã chuyển công tác vẫn phải xin chữ ký để hợp thức hoá".
Bị cáo Minh cũng khai trước tết, Trịnh Xuân Thanh yêu cầu chuyển 5 tỉ đồng để "anh Thanh, anh Thuận đi đối ngoại, lễ tết".
Tuy nhiên, khi đưa tiền thì chỉ đưa 4 tỉ, còn 1 tỉ thì khi hỏi bị cáo Thuận, bị cáo Thuận yêu cầu đưa cho bị cáo Thanh.
Trịnh Xuân Thanh khi đó nói: "Mày cầm lấy 1 tỉ đi lễ tết giúp anh, chiều anh đi công tác" và số tiền này được giao lại cho bị cáo Minh sử dụng.
Bị cáo Bùi Mạnh Hiển - nguyên chánh văn phòng PVC - khai đã nhiều lần đưa tiền cho Vũ Đức Thuận. Tuy nhiên, khoản tiền 20.000 USD thì Thuận không thừa nhận, do đó Hiển phải tự chịu trách nhiệm và bồi thường.
Theo lời Bùi Mạnh Hiển, việc yêu cầu chuyển tiền từ các đơn vị trực thuộc như các ban quản lý dự án lên cho lãnh đạo sử dụng là phổ biến, thường xuyên.
Đã rất nhiều lần đưa, bị cáo Thuận thừa nhận thì tính trách nhiệm cho bị cáo Thuận, không thừa nhận thì phải tự chịu.
HĐXX hỏi: "Có phải ở tổng công ty nhiều tiền quá, toàn tiền ngân sách nên đưa, nhận, tiêu tiền dễ dàng quá không?"
"Ở công ty cứ đưa tiền thoải mái, không bao giờ có giấy tờ gì hay ai chứng kiến, kể cả việc đưa tiền giữa các lãnh đạo khác cũng vậy", bị cáo Hiển nói.
Khi được hỏi, vì sao có chủ trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nộp tiền về, bị cáo Vũ Đức Thuận nói: "Bị cáo chỉ ra chủ trương các đơn vị phải nộp tiền về chứ không biết các đơn vị làm hô sơ khống để lấy tiền chuyển".
"Đây là chủ trương vi phạm pháp luật, mà mới chỉ điều tra, kết luận ở một dự án thôi. Quản lý kinh tế thế nào mà không cần biết lợi nhuận, thua lỗ ra sao, cứ buộc chuyển tiền để tiêu xài, không cần biết khiến rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phải ra toà như thế, bị cáo có nhận thức được không?", thẩm phán Nguyễn Văn Sơn, chủ toạ phiên toà nói.
Đại diện VKS đang chất vấn các bị cáo tại toà - Ảnh: GIA MINH
|
Vừa đá bóng, vừa thổi còi hàng tỉ USD
Bản án sơ thẩm cho thấy, vào thời điểm năm 2008, trước khi được chỉ định gói thầu trị giá 1,2 tỉ USD từ PVN, PVC đã mất cân bằng tài chính với con số hơn 1.000 tỉ đồng.
Để tạo điều kiện cho PVN, bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo các thuộc cấp bằng mọi giá phải xử lý gấp, ký hợp đồng với PVC và ứng tiền cho đơn vị này.
Thực hiện chỉ đạo của Đinh La Thăng, bộ máy của PVN và PVPower (công ty con của PVN) đã nhanh chóng thực hiện một bản hợp đồng "vô tiền khoáng hậu", chỉ 8 trang giấy A4, thiếu điều khoản và hầu hết các nội dung cần thiết.
Qua hợp đồng này, ngay lập tức PVN chuyển tiền và buộc PVPower phải chuyển cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng. Cần biết rằng, PVC là công ty cổ phần, mà PVN lại là đơn vị nắm quyền chi phối tuyệt đối với trên 50% vốn.
Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh - nguyên phó tổng giám đốc PVN - khai sau khi ký hợp đồng số 33 với chỉ 8 trang giấy, biết rằng hợp đồng này "bất ổn" nên đã có những bước đi khác nhau để điều chỉnh, vì nếu tiếp tục sẽ vướng mắc.
Tiếp sau đó, bị cáo Khánh được giao làm trưởng đoàn đi Trung Quốc tham khảo công nghệ lò hơi thay cho lò phun trước đó.
Khi trở về, bằng nhiều thao tác của nhiều bị cáo, chủ đầu tư dự án được chuyển về cho PVN, và PVN giao cho một ban quản lý dự án trực tiếp thực hiện các bước để đàm phán lại, hợp thức hoá những sai phạm, thiếu sót của hợp đồng số 33.
Giải pháp được đưa ra là thanh lý hợp đồng số 33, sau đó đổi chủ đầu tư từ PVPower sang PVN. Dù mọi hồ sơ kỹ thuật, phương án, dự toán… đều chưa có đầy đủ theo quy định, nhưng bị cáo Đinh La Thăng liên tục chỉ đạo ký hợp đồng và tạm ứng tới 10% để thực hiện dự án.
Dù trước đó hợp đồng 33 đã được ký, nhưng có những khó khăn khách quan khiến việc chuyển tiền tạm ứng không thể thực hiện. Ngay sau ngày ký hợp đồng thay thế hợp đồng 33, vướng mắc được khai thông và số tiền hơn 1.300 tỉ đồng đã được tạm ứng cho PVC.
Tiếp sau đó, dù chưa đúng thủ tục theo quy định, số tiền hơn 6,6 triệu USD cũng được chuyển giao theo điều khoản trong hợp đồng số 33 là "tạm ứng ngay" số tiền bằng 6% giá trị hợp đồng.
Số tiền này đã bị các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận sử dụng vào mục đích khác dẫn tới gây thiệt hại.
GIA MINH