Vietstock - Nỗi niềm nhà đầu tư đặt niềm tin nhầm chỗ (kỳ 1): “Bắt nhầm” cổ phiếu
Thị trường chứng khoán khởi sắc nhưng vẫn có hàng trăm cổ phiếu lao dốc vì bị xử phạt vi phạm công bố thông tin, vi phạm chính sách thuế, bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến trên báo cáo tài chính, thua lỗ bất ngờ… Nhiều nhà đầu tư đặt niềm tin nhầm chỗ vào những cổ phiếu dạng này dở khóc dở cười đang không biết nên cắt lỗ hay chờ doanh nghiệp “hồi sức” trở lại.
Kỳ 1: “Bắt nhầm” cổ phiếu
Lỗ 50% cho khoản đầu tư vào HVG
Nhà đầu tư N.T.S (TP.HCM) đã chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán trải nghiệm không vui với cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương.
Anh S cho biết, anh mua 10.000 cổ phiếu HVG ở mức giá gần 9.000 đồng/cổ phiếu. Trước thời điểm anh mua vào, HVG liên tục công bố thông tin về việc bán bất động sản, công ty con để giải quyết các khó khăn về tài chính của Công ty, nên anh kỳ vọng “vua cá tra” một thời dần hồi phục và cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng.
Tuy nhiên, ngay sau đó, HVG bị rơi vào diện bị kiểm soát, chỉ được giao dịch phiên chiều do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính niên độ 2016 - 2017 tiếp tục âm. Đáng nói là, số liệu lợi nhuận sau thuế hợp nhất thuộc về cổ đông công ty mẹ sau kiểm toán giảm tới 508,8 tỷ đồng so với số liệu trên báo cáo tài chính do doanh nghiệp tự lập. Cổ phiếu HVG sau đó giảm sàn liên tiếp.
Sau thời gian đắn đo, anh S lại quyết định mua thêm 5.000 cổ phiếu HVG, với hy vọng kết quả kinh doanh quý II niên độ tài chính 2017 - 2018 của HVG sẽ khả quan hơn và chờ đợi tại kỳ Đại hội đồng cổ đông sắp tới, Công ty sẽ công bố những thông tin tích cực hơn về việc triển khai kế hoạch tái cơ cấu nợ. Với thị giá hiện tại của cổ phiếu HVG là 5.050 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/4/2018), anh S cho biết, anh đang lỗ hơn 35% cho khoản đầu tư này.
Cùng đặt kỳ vọng vào kết quả kinh doanh tích cực hơn của HVG sau khi bán tài sản, bán công ty con cho đối tác lớn, nhà đầu tư tên T. sau khi đua trần giá đỉnh đành ngậm ngùi cắt lỗ gần 50% với cổ phiếu này.
Trải nghiệm kinh hoàng với CDO
Có nhiều lý do khiến giá cổ phiếu giảm sâu, nhưng lý do căn bản nhất vẫn là hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp thiếu tích cực, thậm chí suy giảm mạnh, nhưng nay mới thể hiện rõ được trên con số tài chính. Hoặc có trường hợp, do lãnh đạo doanh nghiệp chưa thực sự minh bạch, hay có hành động bán tháo cổ phiếu. Trường hợp giảm sốc của cổ phiếu CDO (của CTCP Tư vấn thiết kế và phát triển đô thị), theo chia sẻ của nhà đầu tư Nguyễn Xuân Th. (TP.HCM) là trải nghiệm “kinh hoàng” với giới đầu tư.
CDO đã giảm sàn liên tục từ mức giá 37.200 đồng/cổ phiếu ngày 30/11/2016 về mức 3.090 đồng/cổ phiếu ngày 23/1/2017. Những ngày cuối tháng 2/2017, cổ phiếu này lại ghi nhận mức tăng mạnh mẽ gần 60% kể từ đáy.
Ngày 13/3/2017, 3 cá nhân trong Ban lãnh đạo Công ty đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt do có hành vi giao dịch "chui" cổ phiếu này hoặc giao dịch không đúng thời hạn đăng ký. Đáng chú ý, thời gian “bán chui” CDO lại là lúc cổ phiếu này đang ở mức giá “3 chấm” (tháng 9 - 12/2016) và sau đó CDO lập kỷ lục với 34 phiên giảm sàn liên tiếp. Nhiều nhà đầu tư gần mất trắng khoản đầu tư.
Nhìn kỹ giao dịch giai đoạn này cho thấy, khối lượng giao dịch khớp lệnh của CDO không nhiều, chủ yếu là giao dịch thỏa thuận. Cổ phiếu mất thanh khoản, cổ đông “bó tay” với việc cắt lỗ. Dù Chủ tịch CDO đã có công văn giải trình việc cổ phiếu giảm sàn không liên quan đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty, nhưng diễn biến “bán chui” cổ phiếu của Ban lãnh đạo khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào tính minh bạch, sự tuân thủ pháp luật của những người đứng đầu doanh nghiệp.
Cuối tháng 11/2017, liên quan đến hành vi thao túng giá cổ phiếu CDO, nguyên Giám đốc Chứng khoán Ngân hàng Đông Á Chi nhánh Hà Nội đã bị khởi tố. Ngày 9/2/2018, CDO chính thức vào diện kiểm soát đặc biệt do vi phạm về công bố thông tin. Hiện giá cổ phiếu chỉ ở mức 1.400 đồng/cổ phiếu.
Nhà đầu tư Th. chia sẻ, anh có tham gia mua cổ phiếu CDO lúc giá về sát 1.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau đó nhanh chóng bán ra ở mức 1.800 đồng/cổ phiếu với lý giải: “Mạo hiểm tí cho vui, nhưng cổ phiếu dạng này giữ lâu chỉ khiến mình mất ăn mất ngủ”.
“Mắc kẹt” với hàng trăm cổ phiếu bị cảnh báo/kiểm soát
Trên thị trường chứng khoán, có nhiều nhà đầu tư ưa mạo hiểm, thích bắt đáy những cổ phiếu giảm sốc về mức trà đá (khoảng 2.000 đồng/cổ phiếu). Bởi họ tin rằng, những cổ phiếu này sau khi giảm sâu rất dễ được “đánh lên” và chỉ cần tăng 1.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư có thể đạt tỷ suất lợi nhuận tới 50%. Nhưng, “đời nhiều khi không là mơ”.
Trên sàn HNX, hiện có 386 doanh nghiệp đang niêm yết; trong đó, có tới 116 cổ phiếu thuộc diện không được phép giao dịch ký quỹ, tương ứng chiếm khoảng 30%. Trong số này, chỉ có 13 cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ do có thời gian niêm yết dưới 6 tháng, còn lại hơn 100 cổ phiếu thuộc diện bị cảnh báo/kiểm soát, do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin, vi phạm pháp luật về thuế và rất nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là số âm hoặc có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán.
Còn trên sàn UPCoM, trong tổng số 724 mã cổ phiếu đăng ký giao dịch, có khoảng 78 cổ phiếu đang bị đình chỉ hoặc hạn chế giao dịch. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng đưa ra một danh sách cảnh báo nhà đầu tư, gồm 90 mã cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp có ý kiến kiểm toán ngoại trừ hoặc từ chối đưa ý kiến, vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 10 tỷ đồng hoặc âm vốn chủ sở hữu, vi phạm nghiêm trọng công bố thông tin. Cũng có những trường hợp HNX cảnh báo để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, chẳng hạn như đối với MTM. Trong đó, chiếm đa số là trường hợp vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính đã kiểm toán hoặc soát xét là số âm.
Trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HSX), danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ là 72 chứng khoán, cũng với lý do tương tự là cổ phiếu mới niêm yết dưới 6 tháng, rơi vào diện kiểm soát/cảnh báo, có ý kiến ngoại trừ của kiểm toán và kết quả kinh doanh thua lỗ. Trong đó, có 29 chứng khoán thuộc diện bị cảnh báo, chủ yếu do lợi nhuận sau thuế âm, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm và 13 chứng khoán rơi vào diện bị kiểm soát.
Tất nhiên, những cổ phiếu thuộc nhóm trên thị giá đều đã giảm khá sâu so với thị giá, thanh khoản rất kém, thậm chí nhiều cổ phiếu “chết” thanh khoản. Việc không kịp thoát hàng trước khi xuất hiện thông tin tiêu cực từ doanh nghiệp như bị xử lý vi phạm công bố thông tin, bất ngờ báo lỗ nặng hoặc báo cáo tài chính không được kiểm toán xác nhận là “sạch”, hay lao vào bắt đáy có thể khiến nhà đầu tư “mắc kẹt” với những cổ phiếu dạng này.
Không ít nhà đầu tư kém may mắn hoặc không thể chấp nhận sự thật lỗ lớn vẫn đang nắm giữ những cổ phiếu thua lỗ đến nay. Họ chờ đợi sự hồi sinh từ doanh nghiệp, nhưng sự chờ đợi này liệu có cơ sở?
Kỳ 2: “Bắt nhầm” cổ phiếu, nhà đầu tư chờ "phép màu" ngày Đại hội
Nhã An