Vietstock - Bộ KH&ĐT nói gì về kịch bản tăng trưởng GDP đi ngược xu hướng truyền thống?
Trong hai kịch bản mà Bộ KH&ĐT mới đưa ra, đơn vị này khẳng định xu hướng tăng trưởng năm 2018 sẽ đi ngược với diễn biến truyền thống là quý sau cao hơn quý trước. Theo đó, tăng trưởng các quý sau năm nay được nhận định sẽ giảm dần.
Lý giải câu hỏi về xu hướng tăng trưởng kinh tế các quý sau của năm 2018, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh cho biết, mô hình tăng trưởng truyền thống quý sau cao hơn quý trước sẽ không còn duy trì được trong năm 2018. Trong đó tăng trưởng theo từng quý cũng như luỹ kế quý I, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2018 có xu hướng giảm dần.
Thứ trưởng Lê Quang Mạnh lý giải, quý I vừa qua tăng trưởng kinh tế đạt cao do tiếp đà từ quý III và quý IV năm 2017. “Để duy trì được tốc độ tăng trưởng mức cao liên tục như vậy là rất khó khăn”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định.
Cụ thể, so sánh cho thấy nền tăng trưởng quý I 2017 là rất thấp, do đó nỗ lực đạt tăng trưởng quý III và IV năm 2017 là có thể. Trong khi đó, nền tăng trưởng của quý I năm nay lại rất cao, mức 7,38%, là mức tăng cao nhất trong quý I của 10 năm qua, do đó, các quý sau khó có thể đạt tăng trưởng mức cao.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, năm 2017 cũng có nhiều yếu tố tăng trưởng mang tính đột biến. “Hoạt động đi vào sản xuất kinh doanh với kết quả tốt của các đơn vị như Samsung vào tháng 5 và Formosa vào tháng 7 năm ngoái đã đóng góp lớn cho tăng trưởng. Tuy nhiên, quý I năm nay các nguồn lực đã huy động tốt cho tăng trưởng, các nhân tố đột biến cho tăng trưởng cuối năm cũng chưa được định hình rõ”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nói.
Tăng trưởng GDP quý I/2018 ghi nhận mức tăng cao nhất trong 10 năm qua.
|
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng nhắc đến nguy cơ về chu kỳ tăng trưởng thế giới 10 năm và việc FED tăng lãi suất, điều hành tỉ giá cùng với các rủi ro tiềm ẩn cũng là các yếu tố hạn chế tăng trưởng quý sau.
Trao đổi với DĐDN về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng nhận định, mặc dù năm 2018 chưa có những dấu hiệu cảnh báo khủng hoảng, tuy nhiên, áp lực đã lộ diện, phải có sự nhận biết dấu hiệu từ bài học năm 2008 và có những biện pháp đối phó bởi chu kỳ khủng hoảng của năm 2008 có thể trở lại.
Trong khi đó, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lo ngại, diễn biến phức tạo của tình hình kinh tế thế giới sẽ có nhiều áp lực lên lạm phát. Mà đặc biệt là xu hướng bảo hộ gia tăng và nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại. Đồng thời, trong nước lạm phát chịu áp lực từ giá dịch vụ y tế và giáo dục, giá điện nhiều năm không tăng cũng có thể sẽ tăng...
“Do đó, không thể chủ quan, Chính phủ cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ theo hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tiếp tục tạo môi trường kinh doanh ổn định, để duy trì tăng trưởng các quý sau và đạt mục tiêu như Quốc hội đề ra”,TS Lê Đăng Doanh nói.
“Bởi vậy, Chính phủ đã điều hành tăng trưởng bền vững không chỉ cho năm nay mà còn cho các năm tiếp theo”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nói.
Theo kịch bản được Bộ KH&ĐT đưa ra, kịch bản một sẽ có mức tăng trưởng GDP 2018 là 6,7% và kịch bản hai với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,8 %.
Thy Hằng