Vietstock - Xem xét tăng giờ làm thêm vượt khung
Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến về việc cho phép doanh nghiệp điều chỉnh thời gian làm thêm giờ/tháng để phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19.
Doanh nghiệp muốn điều chỉnh tăng giờ làm thêm để đáp ứng các đơn hàng sau dịch Covid-19. Ảnh: T.Hằng |
Theo bộ luật Lao động năm 2019, từ 1.1.2021, doanh nghiệp (DN) được sử dụng người lao động (NLĐ) làm thêm giờ tối đa không quá 40 giờ/tháng. Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường, thì giờ làm thêm của NLĐ không vượt quá 200 giờ/năm. Đối với một số ngành nghề, công việc như: sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt may, da giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản… DN được sử dụng NLĐ làm thêm không quá 300 giờ/năm.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết tính đến ngày 29.9, đơn vị này đã nhận được ý kiến đề xuất tăng giờ làm thêm của một số hiệp hội. Bộ đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Tờ trình Chính phủ về việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép người sử dụng lao động không áp dụng giới hạn giờ làm thêm tối đa 40 giờ/tháng và áp dụng làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm cho các ngành nghề.
Tăng giờ làm đáp ứng đơn xuất khẩu
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều DN nằm trong vùng bị phong tỏa, cách ly phải cho NLĐ nghỉ việc, giãn việc, dẫn đến thiếu hụt đơn hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất trước mắt và kế hoạch phát triển dài hạn. Đặc biệt, khi DN mở cửa trở lại thì áp lực giao hàng rất lớn, phải bố trí làm ngoài giờ. Tuy nhiên, bộ luật Lao động quy định thời giờ làm thêm không được phép quá 40 giờ/tháng và không quá 300 giờ/năm (đối với một số ngành, nghề), nên VITAS đề xuất Chính phủ cho phép DN sau thời gian phong tỏa được bố trí làm thêm “vượt khung” để giải quyết các đơn hàng tồn đọng. DN vẫn sẽ bù trừ các tháng để đảm bảo không quá 300 giờ/năm theo quy định.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết: “Hiện Bộ đang tập hợp ý kiến các DN, hiệp hội về đề xuất làm thêm giờ, từ đó nghiên cứu, đề xuất theo hướng xem xét, xử lý cá biệt, chỉ nên áp dụng những lĩnh vực ngành nghề thực sự cần thiết trên cơ sở thỏa thuận giữa NLĐ và người sử dụng lao động, chứ không thể áp dụng trên quy mô cả nước. Hơn nữa, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Bộ cần phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến”. |
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Công ty CP May 10, bày tỏ: “DN chúng tôi hiện có 12.000 cán bộ, công nhân viên, phân tán trên 7 tỉnh, TP. Suốt mấy tháng qua, DN bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các đợt giãn cách, có nhà máy phải đóng cửa hoàn toàn nên số giờ làm thêm không dùng hết. Tuy nhiên từ nay đến cuối năm và đầu năm 2022, khi kinh tế hồi phục trở lại, DN buộc phải tăng tốc làm thêm để kịp giao các đơn hàng xuất khẩu cho khách hàng. Vì vậy, nên cho phép DN linh hoạt điều chỉnh giờ làm thêm vào những tháng cao điểm”.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), suốt 2 tháng qua, có đến 70% nhà máy chế biến thủy sản phải ngừng sản xuất và khoảng 30% nhà máy sản xuất cầm chừng theo phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến” do các tỉnh, TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. “Do thiếu hụt lao động, thiếu hụt nguyên vật liệu, quá trình vận chuyển hàng hóa khó khăn… DN đang đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng, bị mất khách hàng do không cung cấp đủ đơn đặt hàng. Để tạo điều kiện linh hoạt cho sản xuất, nhằm đáp ứng đơn hàng và đối ứng với tình trạng thiếu hụt lao động do dịch bệnh, nên bỏ quy định trần số giờ làm thêm trong 1 tháng. Bên cạnh đó, tăng khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm từ 300 giờ lên 400 giờ không phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất”, ông Nam đề xuất.
Ngoài ra, theo lãnh đạo VASEP, các bộ, ngành nên nghiên cứu bỏ tạm thời quy định thông báo về việc tổ chức làm thêm giờ theo điều 62, Nghị định 145/2020. Điều này giúp DN chủ động hơn trong việc bố trí, sắp xếp kế hoạch làm thêm tùy thuộc tình hình thực tế của DN về nguyên liệu và lực lượng lao động. Khi DN có kế hoạch làm thêm giờ, chỉ cần dựa trên thỏa thuận giữa NLĐ và DN.
Chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn
Trong bối cảnh NLĐ bị mất việc, giãn việc nhiều tháng qua do Covid-19, PGS (HN:PGS) Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân - công đoàn, cho rằng chỉ nên xem xét tăng giờ làm thêm trong thời điểm nhất định, chứ không nên luật hóa, bởi trước đây khi góp ý sửa đổi luật Lao động 2019, các hiệp hội đã mong muốn tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm, nhưng không được chấp thuận. “Do dịch bệnh, nhiều DN phải nghỉ giãn cách, không đảm bảo đủ đơn hàng, nay muốn cho NLĐ làm thêm giờ vừa phục hồi sản xuất, vừa tạo công ăn việc làm cho NLĐ. Đây là lý do chính đáng, hơn nữa nếu tuyển lao động mới sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc tăng giờ làm thêm. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng phải hết sức cân nhắc bởi thời gian đầu NLĐ có thể làm tương đối thoải mái, nhưng sau 3 - 4 tháng làm việc liên tục, sức khỏe NLĐ bị kiệt quệ, nguy cơ tai nạn lao động trong giờ làm việc là không tránh khỏi”, ông Thọ khuyến cáo và góp ý thêm, nếu buộc phải tăng giờ làm thêm, chỉ nên chấp thuận cho một số lĩnh vực tăng như: dệt may, thủy sản, chế biến thực phẩm…
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, nhìn nhận việc mở rộng giới hạn giờ làm thêm trong tháng, trong năm chỉ là giải pháp cấp bách, tạm thời để hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng. “Chính sách này chỉ có thể áp dụng với tư cách là một giải pháp tạm thời, trong thời gian ngắn. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị trước mắt chỉ nên quy định thời gian thực hiện trong 2 năm, từ ngày 1.1.2022 đến hết ngày 31.12.2023”, ông Hiểu nói.
Theo ông Hà Tất Thắng, dự kiến hôm nay 30.9, Bộ LĐ-TB-XH sẽ phải tổng hợp xong ý kiến, gửi dự thảo tờ trình cho Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ.
Thu Hằng