Investing.com -- Trang thông tin chuyên đồ hoạ hoá thống kê Seasia Stats đã cung cấp đồ hoạ “15 nền kinh tế lớn nhất Châu Á năm 2025”, dựa trên các số liệu được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố. “Hướng tới năm 2025, Châu Á tiếp tục củng cố vị thế của mình là một quyền lực kinh tế toàn cầu”, trang này miêu tả.
Theo danh sách này, Trung Quốc dẫn đầu với quy mô nền kinh tế vượt 19.500 tỷ USD. Nhật Bản xếp thứ 2, khoảng cách về quy mô rất xa Trung Quốc, đạt 4.400 tỷ USD. Ấn Độ xếp ngay sau với 4.300 tỷ USD.
Hàn Quốc và Indonesia nối tiếp trong danh sách này, lần lượt đạt 1.900 và 1.500 tỷ USD. Với vị trí này, Indonesia là nước có quy mô nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á , được tiếp thêm động lực tăng trưởng bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và một tầng lớp trung lưu đang phát triển.
Xếp thứ 6 là Saudi Arabia, 1.100 tỷ USD. Đài Loan (Trung Quốc) 814 tỷ USD xếp theo sau. UAE dự báo đạt 569 tỷ USD.
Năm vị trí tiếp theo là nhóm các quốc gia Đông Nam Á. Xếp thứ 9 trong bảng xếp hạng Châu Á, thứ 2 Đông Nam Á, là Singapore, với quy mô nền kinh tế đạt 562 tỷ USD. Ngay sau đó là Thái Lan, 545 tỷ USD.
Philippines và Việt Nam so kè hai vị trí liền kề, thứ 11 và 12, lần lượt được dự báo đạt 508 tỷ USD và 506 tỷ USD. Nói về Việt Nam, trang này bình luận, nền kinh tế Việt Nam đang nhanh chóng mở rộng, nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài. Còn Philippines thì “được hưởng lợi từ một lực lượng lao động trẻ và một lĩnh vực dịch vụ đang phát triển”.
Ngay sau đó là Malaysia, 488 tỷ USD. Malaysia tiếp tục phát triển thông qua ngành công nghiệp điện tử và dầu cọ. Bangladesh và Iran giữ vị trí thứ 14 và 15 trong đồ hoạ này, lần lượt ghi nhận 482 tỷ USD và 464 tỷ USD.
Ngoài ra, tăng trưởng cả năm 2024 của Việt Nam ước tính đạt trên 7%, thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới.
Kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao; riêng lương thực, tính chung 11 tháng, xuất khẩu gạo đạt trên 8,5 triệu tấn, kim ngạch trên 5,3 tỷ USD, tăng lần lượt 10,6% và 22,4% so với cùng kỳ.
Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023.
Tính đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 715 tỷ USD, tăng 15,3%, xuất siêu trên 23 tỷ USD; ước cả năm đạt 807,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách nhà nước ước cả năm vượt trên 10% dự toán (thu ngân sách 11 tháng bằng 106,7% dự toán và tăng 16,4% so với cùng kỳ); bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.
Ưu tiên cho tăng trưởng là một trong số những mục tiêu chủ yếu được Thủ tướng Việt Nam đề ra. Theo đó, sẽ phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch năm 2026 và cả giai đoạn 2021-2030.