Vietstock - Việt Nam khó thay thế Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu
CNBC đưa ra những biểu đồ đánh giá về khả năng Việt Nam thay thế Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu tiếp theo.
Mỹ và Trung Quốc đã áp hàng rào thuế quan lên hàng hóa của nhau trong hơn 1 năm qua và tình trạng “ăn miếng trả miếng” này làm thu hẹp hoạt động thương mại song phương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo công ty tư vấn Oxford Economics. Kết quả là cả hai quốc gia phải nhập nguồn hàng hóa từ các thị trường khác, trong khi các nhà sản xuất có trụ sở ở Trung Quốc phải tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế để tránh né hàng rào thuế quan từ Mỹ.
Việt Nam được xem là một điểm đến được ưa thích trong bối cảnh chuyển dịch về dòng thương mại và chuỗi sản xuất. Thế nhưng, một số chuyên viên phân tích chỉ ra rằng một số vấn đề đã xuất hiện ở Việt Nam và điều đó có thể kìm hãm khả năng tiếp nhận nguồn vốn cũng như chuỗi sản xuất bổ sung của quốc gia Đông Nam Á này.
Dưới đây, CNBC đưa ra những biểu đồ đánh giá về khả năng Việt Nam thay thế Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu tiếp theo.
Tăng trưởng xuất khẩu
Thương chiến Mỹ-Trung là nguồn cơn gây ra tình trạng xuất khẩu suy yếu của nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại. Thế nhưng, Việt Nam lại đi ngược xu hướng này: Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng trưởng mạnh, trong đó dẫn đầu là sự tăng trưởng về xuất khẩu hàng hóa đến Mỹ.
“Rõ ràng là khi Trung Quốc đánh mất thị phần trong việc xuất khẩu hàng hóa tới Mỹ thì Việt Nam lại lấp đầy khoảng trống đó”, Euben Paracuelles, Chuyên gia kinh tế cấp cao từ ngân hàng Nomura của Nhật Bản, nói trên chương trình “Street Signs Asia” của CNBC trong tháng này.
Tuy nhiên, một số chuyên gia thương mại cho rằng hàng Trung Quốc có thể được chuyển sang Việt Nam, sau đó được gắn nhãn hàng Việt Nam và chuyển tới Mỹ để tránh hàng rào thuế quan.
Dòng chảy đầu tư
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng thôi thúc các doanh nghiệp bắt đầu hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam, từ đó đẩy nhanh một xu hướng vốn đã xuất hiện từ nhiều năm trước trong lúc chi phí sản xuất ngày càng tăng ở Trung Quốc buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm các cơ sở sản xuất rẻ hơn.
"Mặc dù khó xảy ra làn sóng công ty di cư ra khỏi Trung Quốc, các công ty đa quốc gia sẽ tiếp tục đa dạng hóa hoạt động sang các khu vực khác ở châu Á để giảm thiểu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung", công ty tư vấn Economist Intelligence Unit cho biết trong báo cáo tháng 10/2019.
Sản lượng sản xuất công nghiệp
Một lý do lý giải tại sao các nhà sản xuất khó lòng rời khỏi Trung Quốc hoàn toàn là quy mô lớn của ngành sản xuất và nền kinh tế Trung Quốc – những yếu tố cho phép doanh nghiệp hoạt động trơn tru và hiệu quả hơn.
Vốn được nhiều chuyên gia xem là một trong những điểm đến thay thế tốt nhất cho Trung Quốc, Việt Nam đã nhận thấy nhiều nút thắt xuất hiện trong nền kinh tế nội địa, mặc dù tỷ trọng đóng góp trong sản lượng sản xuất toàn cầu của Việt Nam vẫn tương đối khiêm tốn.
Trên thực tế, không một quốc gia nào "có thể thực hấp thụ toàn bộ sự chuyển dịch sản xuất" của số doanh nghiệp muốn chuyển ra khỏi Trung Quốc vì lo ngại ảnh hưởng của chiến tranh thương mại, Cedric Chehab, người đứng đầu bộ phận rủi ro quốc gia tại Fitch Solutions, cho hay.
Nút thắt về nguồn nhân lực
Một rào cản lớn ở Việt Nam là thiếu nguồn vốn nhân lực, theo các chuyên viên phân tích từ Fitch Solutions. Điều này ý muốn nói đến giá trị kinh tế của lực lượng lao động gồm các yếu tố như trình độ học vấn, kỹ năng và sức khỏe.
Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động trẻ và ngày càng mở rộng – được định nghĩa là những người từ 14 tuổi trở lên và đã có việc làm, và những người đang thất nghiệp nhưng đang tìm kiếm việc làm. Thế nhưng, quy mô lại nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc.
"Nếu xét tới Việt Nam, tổng dân số nhỏ hơn Trung Quốc khoảng 14 lần, điều này cũng có nghĩa là nguy cơ thiếu hụt lao động cũng cao hơn so Trung Quốc", Kenny Liew, Chuyên viên phân tích tại Fitch Solutions, cho biết.
Tăng trưởng GDP mạnh hơn
Tuy nhiên, sự tiếp nhận dòng chảy thương mại và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn – đi ngược với xu hướng giảm tốc nói chung trên toàn cầu.
Xét một cách tổng thể, nền kinh tế Việt Nam vẫn nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc – quốc gia hiện đang là nền kinh tế lớn thế hai thế giới. Cũng vì những lý do đó, Việt Nam khó lòng sánh ngang với Trung Quốc về năng lực sản xuất.
Vương Đông (Theo CNBC)