Investing.com -- Dù các nhà hoạch định kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ giữ mức mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, kinh tế Trung Quốc ước tính tăng trưởng khoảng 5% trong cả năm 2024, báo hiệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang hướng tới đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Dù các nhà hoạch định kinh tế Trung Quốc chưa công bố mục tiêu tăng trưởng chính xác cho năm 2025 nhưng dự kiến sẽ giữ mức mục tiêu khoảng 5%. Theo Thời báo Hoàn cầu, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đóng góp khoảng 30% tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bà Jing Liu - Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách thị trường Trung Quốc, Ngân hàng HSBC cho biết: "Chúng tôi dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đạt 4,5% trong năm nay. Thách thức đến từ tiêu dùng nội địa và sự không chắc chắn về xuất khẩu do thuế quan với Mỹ. Do vậy, chúng ta sẽ chứng kiến rất nhiều nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng trong nước của Trung Quốc trong 2025. Bởi đây sẽ là động lực tăng trưởng chính".
Trong báo cáo cập nhật vừa được Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản công bố, nếu Mỹ áp thuế 10% lên hàng hoá Trung Quốc, xuất khẩu của nước này sẽ giảm 2,3%, tăng trưởng GDP sẽ lùi về mức 3,4% trong năm 2025. Còn nếu mức thuế lên tới 60%, xuất khẩu Trung Quốc sẽ giảm gần 14%.
Ông Ding Shuang - Kinh tế trưởng tại Trung Quốc Đại lục và khu vực Bắc Á, Ngân hàng Standard Chartered đánh giá: "Xung đột thương mại là rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2025. Nhưng trong thời gian chờ đợi mức thuế chính thức từ Mỹ được công bố, Trung Quốc đang có những sự chuẩn bị nhất định. Để ứng phó với thâm hụt ngân sách có thể gia tăng lên mức 4%, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phát hành thêm các loại trái phiếu đặc biệt của trung ương và địa phương. Việc chuyển hướng chính sách tiền tệ lần đầu tiên từ "thận trọng" sang "nới lỏng hợp lý" sau 14 năm cũng là một biện pháp quan trọng".
"Nếu như năm ngoái chính phủ Trung Quốc đã phát hành 1.000 tỷ Nhân dân tệ dành cho trái phiếu đặc biệt siêu dài hạn thì năm nay chúng tôi dự báo con số phát hành sẽ lên tới 2.000 tỷ Nhân dân tệ. Số tiền này dùng để thúc đẩy tiêu dùng thông qua các chương trình trợ cấp, nâng cấp thiết bị của các doanh nghiệp và tài trợ cho các khoản đầu tư vào các lĩnh vực thúc đẩy đổi mới sáng tạo", bà Jing Liu - Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách thị trường Trung Quốc, Ngân hàng HSBC nhận định
Với thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang tăng cường các biện pháp hỗ trợ đồng Nhân dân tệ sau khi đồng tiền này chạm mức yếu nhất 2 năm, trong bối cảnh đồng USD mạnh. Áp lực đối với Nhân dân tệ cũng đến từ thanh khoản dồi dào và lợi suất trái phiếu Trung Quốc giảm, khi khoảng cách lãi suất giữa Trung Quốc với Mỹ vẫn ở mức lớn. Dự báo đồng Nhân dân tệ sẽ lùi về mốc khoảng 7,4 Nhân dân tệ dổi 1 USD.