Thông tin kinh tế tài chính ngày 5/11: Chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng; giá vàng thế giới vọt hơn 3%; giá dầu tăng gần 5%; Fed và nhiều ngân hàng trung ương đang lỗ nặng; tỷ giá USD quay đầu;... Tăng trưởng việc làm tháng 10 của Mỹ vượt dự báoBộ Lao động cho biết, các nhà tuyển dụng Mỹ đã tạo thêm 261,000 việc làm vào tháng 10 vừa qua, nhiều hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng 0.2 điểm phần trăm lên 3.7%. Các lĩnh vực tạo nhiều việc làm đáng kể trong tháng 10 vừa qua là chăm sóc sức khỏe, dịch vụ chuyên môn kỹ thuật và sản xuất.
Mặc dù cao hơn dự báo song con số việc làm mới vẫn là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020.
Giá vàng thế giới vọt hơn 3% sau báo cáo việc làm của MỹGiá vàng tăng hơn 3% vào ngày thứ Sáu (4/11) nhờ đồng USD giảm sau khi dữ liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng trong tháng 10 qua đó làm tăng lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bớt quyết liệt hơn trong việc nâng lãi suất trong tương lai.
Jim Wyckoff, Chuyên gia phân tích cấp cao tại Kitco Metals, nhận định: “Báo cáo việc làm của Mỹ đã chạm đúng điểm mà thị trường đang muốn thấy và điều đó cho phép giá vàng khởi sắc”.
Kết phiên giao dịch ngày 4/11/2022, hợp đồng vàng giao ngay tiến gần 3,19% lên 1.684,90 USD/oz )hợp đồng này đã tăng gần 2,2% trong tuần qua đồng thời đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 7/2022); hợp đồng vàng tương lai tăng 3,3% lên 1.684,70 USD/oz.
Giá dầu tăng gần 5%Giá dầu tăng trong bối cảnh khả năng Trung Quốc nới lỏng một số hạn chế liên quan COVID-19 đã hỗ trợ thị trường.
Kết phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 4,40 USD (tương đương 4,99%) lên 98,61 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 4,39 USD (tương đương 4,98) lên 92,56 USD/thùng.
Tăng hơn 400 điểm, Dow Jones vẫn đứt mạch 4 tuần khởi sắcChứng khoán Mỹ khởi sắc song vẫn khép lại tuần qua với sắc đỏ, khi nhà đầu tư đưa ra kết luận trái ngược nhau về dữ liệu việc làm mới nhất có ý nghĩa gì đối với việc nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tương lai.
Kết phiên 4/11, Dow Jones tăng 401,97 điểm (tương đương 1,26%) lên 32.403,22 điểm; S&P 500 tăng 1,36% lên 3.770,55 điểm; Nasdaq Composite tăng 1,28% lên 10.475,25 điểm.
Cả 3 chỉ số chính đều ghi nhận mức giảm trong tuần qua. Dow Jones mất 1,4% - đứt mạch 4 tuần tăng liên tiếp. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt giảm 3,35% và 5,65% qua đó chấm dứt chuỗi 2 tuần tích cực.
Đồng USD quay đầuĐầu phiên giao dịch ngày 5/11 (theo giờ Việt Nam), trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm mạnh 2,14% xuống mốc 110,79.
Đồng USD cũng giảm 1,1% so với đồng Yên Nhật xuống mức 146,65 yên; đồng Euro tăng 2,2% đạt mức 0,9960 USD.
Fed và nhiều ngân hàng trung ương đang lỗ nặngỞ Anh, Bộ Tài chính nước này sắp chuyển cho Bank of England (BoE) hơn 11 tỷ bảng trong năm tài khóa này để bù đắp các khoản lỗ do mua trái phiếu.
Ở Mỹ, tình hình cũng tương tự; đảo ngược từ chỗ Bộ Tài chính Mỹ năm ngoái nhận được 100 tỷ USD tiền lãi do Fed chuyển giao, năm nay Fed có khả năng thua lỗ chừng 80 tỷ USD. Những năm đại dịch, để kích thích nền kinh tế và giải cứu doanh nghiệp Fed liên tục mua vào trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.
Jerome Haegeli, kinh tế trưởng tại hãng tái bảo hiểm Swiss Re - từng làm cho Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ nói: “Vấn đề đối với sự thua lỗ của các ngân hàng trung ương không phải là bản thân mức lỗ là bao nhiêu bởi họ sẽ được tái cấp vốn song chủ yếu là các phản ứng bất lợi về mặt chính trị mà các ngân hàng trung ương này sẽ gánh chịu”.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan, ông Klaas Knot dự báo lỗ lũy kế của ngân hàng trung ương nước này sẽ ở mức 9 tỷ Euro trong những năm sắp tới. Swiss National Bank (Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ) báo cáo mức lỗ 95,2 tỷ francs trong sáu tháng đầu năm nay do giá trị dự trữ ngoại tệ của họ giảm sút mạnh. Đây là mức lỗ sáu tháng đầu năm cao nhất kể từ khi ngân hàng này được thành lập vào năm 1907.
Thông tin kinh tế tài chính đầu phiên 4/11: USD mạnh lên, giá vàng về đáy 1 tháng