Investing.com -- Để đạt được điều này, Bắc Kinh cần tiếp tục thúc đẩy mô hình tăng trưởng mới. Mô hình này dựa trên tiêu dùng nội địa thay vì xuất khẩu, tập trung vào sản xuất giá trị gia tăng thông qua áp dụng công nghệ kỹ thuật số và chuyển đổi xanh để có thể đạt được trạng thái trung hòa carbon.
Trung Quốc có khả năng vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035, dựa trên xu hướng tăng trưởng hiện tại của cả hai quốc gia, theo ông Zhu Min, một nhà kinh tế nổi tiếng của Trung Quốc và là cựu Phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng thay vì tập trung vào con số hay mốc thời gian, điều quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong tương lai – một sự tăng trưởng mang lại lợi ích cho nhiều người dân hơn.
Để đạt được điều này, ông cho rằng Bắc Kinh cần tiếp tục thúc đẩy mô hình tăng trưởng mới. Mô hình này dựa trên tiêu dùng nội địa thay vì xuất khẩu, tập trung vào sản xuất giá trị gia tăng thông qua áp dụng công nghệ kỹ thuật số và chuyển đổi xanh để có thể đạt được trạng thái trung hòa carbon.
Dựa trên những tính toán cơ bản, ông Zhu giả định rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng từ 2% đến 2,5% mỗi năm, trong khi Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng từ 4% đến 4,5%.
Dự báo “Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới” của ông chậm hơn so với các dự báo khác - thường rơi vào khoảng thời gian 2030 cho tới 2033. Tuy nhiên do các yếu tố bao gồm đại dịch Covid-19 cùng nhiều yếu tố khác, triển vọng này đã bị lùi lại.
Tuy nhiên, ông Zhu cũng cho rằng không nên chỉ chú ý đến các con số. Ông khẳng định GDP bình quân đầu người của Trung Quốc hiện tại mới chỉ bằng 1/4 của Mỹ, do đó nước này vẫn cần tăng cường cải thiện cuộc sống của người dân.
“Tại Trung Quốc, chúng tôi không đặt mục tiêu vượt qua Mỹ. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng chất lượng tăng trưởng là điều cốt lõi, không nhất thiết là con số hay tốc độ vượt qua nhanh đến mức nào”, ông nói.
Ông Zhu chỉ ra một số vấn đề lớn, điển hình như Trung Quốc không còn lợi thế nguồn lao động giá rẻ vô tận do tỷ lệ sinh giảm và nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc cũng đang chậm lại.
Kể từ khi gỡ bỏ các biện pháp hạn chế thời Covid-19, Chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy nhu cầu nội địa đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.
Đáng chú ý, dù cho Bắc Kinh đã áp dụng một loạt biện pháp kích thích từ tháng 9/2024, bao gồm giảm lãi suất, hỗ trợ thị trường chứng khoán và bất động sản cũng như các ngân hàng đẩy mạnh cung cấp các khoản vay nhưng tiêu dùng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt.
Nước này cũng đã mở rộng chương trình "thu cũ đổi mới" - vốn đang áp dụng cho các thiết bị gia dụng và xe hơi - nay sẽ được mở rộng sang các thiết bị cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính bảng và đồng hồ thông minh, nhằm thúc đẩy tiêu dùng thông qua các khoản trợ cấp.
Tuy nhiên, các khoản trợ cấp này chỉ là “biện pháp tạm thời” nhắm vào các sản phẩm cụ thể và không mang lại nhiều tác động cho toàn bộ tiêu dùng.
Để giải quyết một phần các tác động, ông Zhu cho rằng Trung Quốc cần tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội để người dân cảm thấy an tâm chi tiêu.
Mặt khác, những nỗ lực như trong việc thực hiện các cam kết khí hậu và đạt được tình trạng trung lập carbon cũng đang được Trung Quốc tiến hành.
Ông Zhu nói việc sản xuất điện tái tạo hiện đã được cải thiện đáng kể về chi phí ở một số nơi, ví dụ như điện mặt trời được tạo ra ở Tứ Xuyên hiện được truyền đến Hà Nam – một tỉnh sản xuất than – với chi phí thấp hơn so với điện than.
Có thể thấy, một số dự báo đang chỉ ra rằng triển vọng kinh tế của Trung Quốc trong tương lai sẽ vô cùng tươi sáng nhưng trước mắt, nước này cần gấp rút giải quyết các khó khăn đang hiện hữu, ví dụ như nguy cơ giảm phát.