💼 Bảo vệ danh mục của bạn với công cụ chọn cổ phiếu có AI hỗ trợ của InvestingPro – HIỆN GIẢM tới 50% NHẬN ƯU ĐÃI

Nền kinh tế cần một sự hỗ trợ: Giải pháp nào là hữu hiệu?

Ngày đăng 20:27 15/10/2020
Nền kinh tế cần một sự hỗ trợ: Giải pháp nào là hữu hiệu?

Vietstock - Nền kinh tế cần một sự hỗ trợ: Giải pháp nào là hữu hiệu?

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục so với phần còn lại của thế giới, chủ yếu nhờ sự kiểm soát tốt dịch Covid của chính phủ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đang hướng tới là tăng trưởng kinh tế không âm trong năm 2020 và duy trì lạm phát dưới mức 4% thì giải pháp nào là hữu hiệu?

Ảnh minh họa

Trong bối cảnh phần lớn các nền kinh tế trên thế giới không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm và các thị trường bị giới hạn do ảnh hưởng của các hoạt động phong tỏa và hạn chế đi lại, việc Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP quý 3 ở mức 2,62% là một thành công. Mặc dù chỉ số này tăng thấp nhất trong các quý 3 của 10 năm gần nhất, tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 2,12%. 

DÙ NHỮNG CON SỐ ĐÁNG KHÍCH LỆ...

Điểm nhấn đáng chú ý là các tổ chức quốc tế quan sát diễn biến kinh tế Việt Nam đều có những đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế trong quý 3 và năm 2021, mặc dù vẫn nhìn nhận sự sụt giảm so với năm trước, với động lực chính cho sự tăng trưởng là sự kiểm soát tốt dịch bệnh và nền kinh tế không bị đóng cửa. 

Chẳng hạn, theo đánh giá của ngân hàng UOB có trụ sở tại Singapore, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý 4 sẽ hồi phục mạnh mẽ hơn với tăng trưởng GDP đạt 3% (giảm so với mức 4,5% dự báo trước đây) để đạt mức tăng trưởng cả năm 2,8% (so với 3,5% dự báo trước đó) và sẽ đạt 7,1% trong năm 2021 (so với 6,6% dự báo trước đó). Còn ngân hàng HSBC thì dự báo tăng trưởng năm 2020 của Việt Nam sẽ đạt 2,6% (so với dự báo trước đó 3%) và năm 2021 đạt mức 8,1% (so với 8,5%).

Nhìn sâu một chút vào các chỉ số phản ánh mức tăng trưởng kinh tế, chúng tôi nhận thấy mặc dù các chỉ số này đều thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước, nhưng chúng đều đang trên đà hồi phục tốt kể từ tháng 4 và đặc biệt không có sự sụt giảm đáng kể nào phát sinh từ lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ hai. 

Tăng trưởng sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức 2,69% trung bình 9 tháng đầu năm, trong đó công nghiệp chế biến – động lực chính của tăng trưởng kinh tế, chiếm gần một nửa của tăng trưởng GDP - vẫn tăng trưởng 4,6%, so với cùng kỳ năm trước. Trong khi tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 2,7% so với tháng trước và 4,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Đáng chú ý, các chỉ số này đều đang trong xu hướng tăng dần kể từ quý 2 và gần như không bị ảnh hưởng bởi e ngại bùng phát dịch bệnh thứ 2. Điều này cho thấy các hoạt động kinh tế Việt Nam đang dần quen với môi trường bình thường mới, tức là nền kinh tế đã vận hành tốt trong bối cảnh những khó khăn hiện hữu thay vì bị bất ngờ bởi những khó khăn đó.

... VẪN CẦN MỘT GIẢI PHÁP HỮU HIỆU HƠN

Mặc dù các con số đều cho thấy nền kinh tế nói chung đang trên đà phục hồi, đáng chú ý là điều này không hẳn phản ánh chính xác bức tranh ở từng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. 

Số liệu điều tra cho đến đầu tháng 9 vẫn thể hiện chỉ có khoảng 3% không gặp khó khăn bởi dịch bệnh, trong khi 20% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và 75% doanh nghiệp tiếp tục hoạt động nhưng với dòng tiền hoạt động âm và 2% đã giải thể. Điều này cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang dựa phần lớn vào các doanh nghiệp lớn còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn tiếp tục gặp khó khăn.

 Điều này càng đáng lưu ý khi mà các nghiên cứu học thuật phần lớn đều chỉ ra rằng sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chính là nhân tố năng động tạo ra những đổi mới mang tính sáng tạo trong phát triển kinh tế. Hơn thế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được nhìn nhận với vai trò quan trọng trong việc tạo ra nhiều công ăn việc làm cho nhóm có thu nhập thấp, góp phần làm giảm đói nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội.

Với những quan sát như vậy, chúng tôi cho rằng nền kinh tế cần một sự hỗ trợ, nhưng đó không phải là hỗ trợ phát triển kinh tế, mà là một sự hỗ trợ nhằm đảm bảo sự lan tỏa của tăng trưởng kinh tế trên diện rộng. Nói cách khác, Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế chú trọng vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay vì cho cả nền kinh tế. 

Điều tra doanh nghiệp cho thấy khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là không có khách hàng (81%) đang dần được khắc phục bằng việc kiểm soát tốt dịch bệnh và việc nền kinh tế mở cửa trở lại, nhưng khó khăn lớn thứ hai liên quan tới các chi phí phải trả liên quan tới người lao động (72%) thực sự tiếp tục cần sự hỗ trợ của Chính phủ. 

Theo quan điểm của chúng tôi, các gói hỗ trợ nên trực tiếp hướng vào giảm hoặc trì hoãn các chi phí hoạt động cho doanh nghiệp đồng thời đảm bảo lợi ích của người lao động. 

Ví dụ, có thể mô phỏng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động của các chính phủ các nước trên thế giới như Anh quốc thông qua việc bảo lãnh các khoản vay lãi suất thấp để trả lương cho người lao động, hoặc chi trả thay, hoặc giãn thời gian nộp các chi phí bắt buộc cho người lao động như bảo hiểm xã hội, phí công đoàn trong một thời gian đủ dài. Nguồn lực cho việc này có thể đến từ ngân sách gia tăng từ nới trần nợ công mà chính phủ đang đề xuất. 

Các chính sách hỗ trợ nếu chỉ chung chung cho toàn nền kinh tế mà không được thiết kế riêng cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa rất có thể dẫn tới tình trạng một nhóm nhỏ doanh nghiệp lớn được hưởng lợi, khó khăn và bất ổn xã hội ngày càng gia tăng mặc dù tăng trưởng kinh tế vẫn tốt thể hiện qua GDP.

Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh vai trò của chính sách tiền tệ như là một công cụ trong việc đối phó với các vấn đề kinh tế. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã hai lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất cơ bản, tín dụng tăng trưởng chậm (5,12% 9 tháng đầu năm so với 8,51% cùng kỳ năm trước) so với huy động vốn (7,7% so với 8,79% năm trước) cho thấy chính sách lãi suất thấp tự nó không giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn. 

Điều này là do bản thân hệ thống ngân hàng nhận thấy rủi ro kinh tế ngày càng cao và do đó tự hạn chế cho vay, đồng thời các doanh nghiệp cần vốn lại không được vay đúng và đủ cái mà họ cần. Một ví dụ điển hình là gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng đã không được giải ngân sau nhiều tháng đưa ra do những yêu cầu khắt khe về điều kiện vay đến mức chi phí đáp ứng những yêu cầu đó còn lớn hơn tổn thất nếu họ không vay.

Cũng về chính sách tiền tệ, nhiều chuyên gia tiếp tục kêu gọi giảm lãi suất như là một giải pháp, nhưng chúng tôi không nghĩ vậy. Chúng tôi đồng ý rằng: về mặt lý thuyết, dư địa cho chính sách tiền tệ vẫn còn khi mà chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục giảm (3,85% bình quân 9 tháng, giảm dần đều từ mức 6,43% hồi đầu năm) trong khi mặt bằng lãi suất nhìn chung xoay quanh 4%, nhưng việc tiếp tục giảm lãi suất không phải là một giải pháp hữu hiệu bởi nút thắt của vấn đề không phải là tiền mà là sự không khớp nhau giữa kỳ vọng của ngân hàng và kỳ vọng của doanh nghiệp.

Việc giảm lãi suất thêm nữa trong điều kiện hiện tại rất có thể sẽ kích thích tình trạng đầu tư quá mức, được dẫn dắt bởi một nhóm ít cách doanh nghiệp hưởng lợi, dẫn tới những rủi ro lâu dài cho nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam lúc này cần một gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí hoạt động được tài trợ bởi chính sách tài khóa để đồng hành cùng chính sách tiền tệ.

Thay cho lời kết, với những quan sát hiện tại, chúng tôi cho rằng: nền kinh tế Việt Nam đang hướng tới việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế không âm trong năm 2020 và duy trì lạm phát dưới mức 4%. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đó không đồng đều mà nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục gặp khó khăn. Các chính sách hỗ trợ của chính phủ do vậy nên tập trung vào nhóm các doanh nghiệp này. Một sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay để phục vụ cho mục đích cụ thể là trang trải các chi phí hoạt động rất có thể là giải pháp cho nền kinh tế trong thời gian trước mắt.

TS. David Gray - TS. Quách Mạnh Hào

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.