Vietstock - Làm gì để điện gió không… bay đi?
Với chủ trương phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo (trong đó có điện gió), Việt Nam đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư. Nhờ đó trong những năm gần đây, điện gió có cơ hội để phát triển mạnh mẽ.
Nhưng khi chính sách về ưu đãi thay đổi kéo theo hàng loạt bất cập nảy sinh, trong đó có những khó khăn mà doanh nghiệp đầu tư các dự án điện gió gặp phải. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã ghi nhận các ý kiến góp ý của một số chuyên gia bàn về cách tháo gỡ chính sách cho điện gió.
Tập hợp các đề xuất gửi Bộ Công Thương
Những ưu đãi của Chính phủ về giá điện đối với những dự án năng lượng tái tạo đều có một thời hạn áp dụng nhất định và điện gió cũng không ngoại lệ. Trước đây đối với những dự án điện mặt trời cũng vậy, sau thời hạn quy định về trợ giá sẽ không được áp dụng.
GS.TSKH TRẦN ĐÌNH LONG, nguyên Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam
|
Cho nên có một số nhà đầu tư không kịp thực hiện đóng điện dự án của mình trước thời hạn mà Chính phủ quy định.
Nhìn từ góc độ những dự án điện mặt trời trước đây, những dự án điện gió gặp phải nhiều khó khăn hơn, bởi việc xây dựng và lắp ráp các công trình điện gió tương đối phức tạp, tốn nhiều kinh phí đầu tư.
Trước những khó khăn này, chỉ còn cách các nhà đầu tư phải có đề xuất gửi đề nghị về Bộ Công Thương trình bày những khó khăn trong quá trình thực hiện, đồng thời đề nghị xem xét lùi thời hạn.
Tuy nhiên phương án này được nhận định rất khó có thể thực hiện được, trừ khi có nhiều nhà đầu tư cùng đề nghị và phải có lý do chính đáng, có cơ sở về việc chậm tiến độ để được xem xét lùi thời hạn.
Và cũng giống như những dự án điện mặt trời, Chính phủ cần xem xét và quy định một mức giá khác ưu đãi ít hơn hoặc là không có ưu đãi.
Cụ thể, giá điện mà Nhà nước mua sẽ thấp hơn nhiều so với giá hưởng ưu đãi. Giá bao nhiêu còn phụ thuộc vào quy định được Bộ, ngành quản lý kiến nghị và đưa ra quy định cụ thể.
Trong quá trình xem xét định giá mới cho mức ưu đãi thấp hơn, doanh nghiệp cũng cần có kiến nghị xem xét giá mới là bao nhiêu để đảm bảo lợi nhuận cho các nhà đầu tư, tất nhiên là không thể bằng mức đã được ưu đãi trước đó.
Một vấn đề khác cần phải lưu ý đó là khâu quy hoạch, phê duyệt các dự án điện gió mới. Cơ quan chức năng quản lý phải phê duyệt hết sức thận trọng và nghiêm túc. Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo nhưng cũng cần phải phát triển bền vững và hạn chế việc chặt phá rừng.
Việc phê duyệt các dự án này cũng cần đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt những vấn đề ảnh hưởng đến phát triển các ngành như nông nghiệp và công nghiệp, cũng như tránh xa các khu vực phát triển công nghiệp và nông nghiệp. Đồng thời, cần quan tâm đến hệ môi trường sinh thái.
Điện gió cần khuyến khích đặt trên thềm lục địa và những nơi trên đất liền không có canh tác nông nghiệp, thì mới xem xét việc phê duyệt hay không. Như vậy việc thực hiện báo cáo về môi trường phải được thực hiện một cách rất nghiêm túc.
Chính sách cần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với doanh nghiệp
Thực tế cho thấy, việc hưởng giá FIT (HM:FIT) cũng là nguyên nhân khiến năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió phát triển ồ ạt thời gian qua. Hệ lụy an toàn cũng như hệ thống điện lưới không đảm bảo được.
Từ năm 2011, điện gió, điện mặt trời bắt đầu phát triển nhưng chỉ thực sự bùng nổ từ năm 2017 nhờ cơ chế giá FIT ưu đãi kéo dài 20 năm cho các nhà đầu tư. Tới nay, Việt Nam có hơn 16.000MW điện mặt trời, hơn 4.100MW điện gió.
Tổng công suất năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, sinh khối...) khoảng 22.000MW, chiếm 25% cơ cấu nguồn điện. Đây rõ ràng là cuộc chơi khắc nghiệt, nên xây dựng giá ưu đãi cho năng lượng tái tạo là một nghệ thuật.
PGS (HN:PGS).TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Chính phủ
|
Hiện nay, giá điện năng lượng tái tạo, gồm có điện gió được xây dựng theo cơ chế đấu thầu. Nhưng trong đấu thầu vẫn cần phải đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên.
Tận dụng tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo thế nào, sử dụng giá FIT hay đấu thầu, tôi cho rằng cách tiếp cận cần mang tính định hướng, đảm bảo lợi ích của đất nước.
Cho nên, để tháo gỡ được, cách tiếp cận chính sách không thể “đối chọi” nhau. Hiện nay, chúng ta chỉ tập trung bàn về lợi ích kinh tế. Tư duy như thế là không được, khi đó chính sách sẽ không thể gỡ cho doanh nghiệp được.
Nhà nước phải quan tâm đến lợi ích chung của toàn bức tranh thị trường để bàn với doanh nghiệp. Việt Nam đang thay đổi cấu trúc năng lượng, hướng tới công nghệ cao, năng lượng sạch. Trong quá trình chuyển đổi, vướng mắc đâu phải gỡ đến đấy.
Cuối cùng, những câu chuyện về giá hay khuyến khích điện gió đều phải dựa trên tinh thần lợi ích chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau. Nếu chúng ta muốn doanh nghiệp điện gió đứng vững sau khủng hoảng, cần phải bàn lại các chính sách, ưu đãi trong thời gian tới.
Thanh lọc để tìm ra các doanh nghiệp đủ tầm
Tôi cho rằng những khó khăn mà các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án điện gió đang gặp phải cũng là điều dễ hiểu. Đây cũng là điều tất yếu phải đến và được dự báo từ trước. Bởi trước đó Việt Nam đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư.
Ông TRẦN VIẾT NGÃI, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam
|
Và sự đầu tư ồ ạt này, trong đó có những doanh nghiệp chỉ tính đến lợi nhuận và làm ăn “chớp nhoáng” thay vì đầu tư một cách có căn cơ, bài bản, có năng lực thực sự. Tôi lấy ngay dẫn chứng là điện gió ngoài khơi, chúng ta rất tiềm năng.
Nhưng đến nay đã có doanh nghiệp điện gió nào mạnh dạn đầu tư vào điện gió ngoài khơi của Việt Nam chưa? Tại sao Đài Loan, một đảo nhỏ mà hiện nay đã phát triển được tới 20.000MW điện gió ngoài khơi? Còn các nước như Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Hồng Kông, Hà Lan... cũng đã phát triển trên 700.000MW điện gió ngoài khơi.
Việt Nam phải nhìn vào đó để học, không thể đi ngược lại xu hướng của thế giới được.
Theo tính toán của Hiệp hội điện gió toàn cầu, điện gió ngoài khơi có hiệu quả cao nhất trong tất cả các loại hình năng lượng tái tạo, bởi đây là dạng sóng vỗ vào bờ.
Càng xa khơi chừng nào, gió càng mạnh. Tại khoảng cách 20km từ bờ trở ra thì lưu lượng gió đạt 5.000 - 6.000 giờ/năm, với công suất từ 1.000MW trở lên có thể sinh ra hàng tỷ kWh điện.
Việt Nam nằm trải dài trên 3.200km bờ biển, có lưu vực biển rộng lớn và có thể đầu tư được ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam thì phát triển điện gió ngoài khơi là một lợi thế cực lớn. Nhưng đến nay, các doanh nghiệp điện gió dám đầu tư vào đây chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tôi cho rằng việc điều chỉnh giá bán điện gió sang đấu thầu cũng là cần thiết, bỏ qua cái ưu đãi về chính sách trước mắt, cái chúng ta hướng đến là thu hút các doanh nghiệp “cá mập” thực sự, họ có đủ năng lực tài chính, công nghệ để đảm nhận những dự án điện gió lớn ở ngoài khơi, đây cũng mới là mục tiêu chúng ta đang cần.
LƯU THỦY