Vietstock - Hai kiểu "mơ" của doanh nghiệp nhà nước và tư nhân
Doanh nghiệp nhà nước mơ được quyền tự quyết như tư nhân trong khi khối này lại muốn cơ chế, chính sách hỗ trợ như nhóm nhà nước.
"Cả hai khu vực này đều hoạt động theo cơ chế thị trường, trên cùng một mặt bằng pháp luật chung, tại sao họ mơ hai giấc mơ khác nhau", ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế trung ương đặt câu hỏi như vậy tại hội nghị về thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước ngày 9/9.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. |
Thực tế, theo ông Bình, không phải lĩnh vực nào nhà nước làm tư nhân cũng muốn tham gia. Khi ra quyết định đầu tư, nhóm này sẽ căn cứ vào hiệu quả hoạt động, không phải dự án nào cũng chấp nhận làm, còn doanh nghiệp nhà nước trong nhiều trường hợp, phải làm người đi đầu dù không chắc sẽ hiệu quả.
Như dự án cao tốc Hà Nội - Lào Cai, nhiều doanh nghiệp tư nhân khi được mời tham gia, khảo sát đều nói, nếu làm, không khác gì "vứt tiền qua cửa sổ". "Rất nhiều lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân không muốn làm, không thể làm thì ai làm, mà đây đều là các lĩnh vực rất quan trọng", ông Bình nói và nhấn mạnh, các chính sách hỗ trợ, những thứ mà doanh nghiệp tư nhân "mơ" không cho tất cả doanh nghiệp nhà nước mà chỉ tập trung vào một số lĩnh vực đặc thù.
Doanh nghiệp nhà nước, về bản chất, cũng phải hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo. Tuy nhiên, định nghĩa này cũng cần làm rõ sự khác biệt giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế thị trường và doanh nghiệp nhà nước hoạt động vì mục đích công ích.
"Những nhiệm vụ kinh doanh hàng hoá dịch vụ thông thường phải theo cơ chế cạnh tranh thị trường. Điều này là đương nhiên. Nhưng khi thực hiện chức năng cung ứng hàng hoá dịch vụ công ích nếu phải chịu thiệt hại thì nhà nước phải tính đúng, tính đủ các chí phí và có chính sách hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả kinh tế", ông Bình nhận định.
Còn với doanh nghiệp nhà nước, "giấc mơ" của khối này là được quyền tự quyết như doanh nghiệp tư nhân.
"Trước đây, sở hữu vốn Nhà nước do Bộ ngành đứng ra đại diện và quản lý, hay còn gọi là vừa đá bóng vừa thổi còi. Cha mẹ nào chả muốn con mình hay, xấu che lại tốt khoe ra", ông Bình nói nhưng cũng nhấn mạnh, chính điều này cũng khiến hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước bị nhiều trói buộc.
Nghị quyết 12 của Đảng về vấn đề tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đã đưa ra giải pháp cho vấn đề này, trong đó yêu cầu tách bạch, chức năng chủ sở hữu tài sản với chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên việc triển khai còn nhiều bất cập.
Sự khác biệt giữa khối tư nhân và nhà nước còn nằm ở vai trò trong cơ cấu nền kinh tế. Có ý kiến cho rằng vị thế của khu vực kinh tế Nhà nước cũng đang trên đà suy giảm, thể hiện bởi con số tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu thấp hơn nhiều khối tư nhân. Ví dụ hai quý đầu năm nay, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty chỉ tăng 6%, còn lợi nhuận trước thuế tăng 0,4%. Người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, vai trò then chốt không phải ở số lượng, hay tham gia ở mọi mặt của thị trường.
"Có rất nhiều người vẫn hiểu kinh tế Nhà nước phải ôm tất, làm tất mới là chủ đạo. Điều này không đúng, chủ đạo là con đường chính chứ không phải là tất cả. Cũng giống như một căn nhà, có cửa, có khóa. Chính khóa mới là yếu tố bảo vệ căn nhà, đó cũng như là nhiệm vụ của khu vực kinh tế Nhà nước", ông Bình nhấn mạnh.
Ví dụ ngành viễn thông, ông Bình cho rằng, nếu không có doanh nghiệp nhà nước thực hiện các hoạt động đầu tư hạ tầng đắt đỏ từ ban đầu thì Việt Nam khó có cơ sở hạ tầng viễn thông ngang ngửa các nước trong khu vực và trên thế giới. Lĩnh vực hàng không cũng như vậy, nếu không có doanh nghiệp nhà nước đi trước trong những thời kỳ khó khăn ban đầu thì khó có cơ hội cho các hãng hàng không tư nhân sau này.
Minh Sơn