Kết thúc quý 1/2023, nhóm các ngân hàng quốc doanh vẫn giữ những vị trí đầu bảng về lợi nhuận trước thuế, tuy nhiên quân quân quý 1/2022 lại bất ngờ tụt xuống top 10. Bức tranh lợi nhuận ảm đạm hơn trong quý 1/2023
Kết thúc quý 1/2023, báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy bức tranh lợi nhuận quý 1 có phần ảm đảm hơn cùng kỳ năm trước. Tổng lợi nhuận trước thuế của 28 ngân hàng đạt 65.833 tỷ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm ngân hàng quốc doanh dẫn đầu trong bảng xếp hạng với Vietcombank (HM:VCB) ở vị trí đầu bảng, đạt 11.221 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước và là ngân hàng duy nhất có lợi nhận trước thuế vượt 10.000 tỷ đồng.
BIDV (HM:BID) cũng ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao trong 3 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 6.920 tỷ đồng, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm trước. Một ngân hàng Big4 khác ở vị trí thứ 4 là VietinBank với tăng trưởng nhẹ 2,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5.980 tỷ đồng.
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC quý 1/2023 của các ngân hàng |
Về mức độ tăng trưởng, Vietbank ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất với mức tăng 74% từ 113 tỷ đồng lên 197 tỷ đồng sau quý 1/2023.
Tuy nhiên, có nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó có nhiều ngân hàng ghi nhận sụt giảm mạnh như VPBank (HM:VPB), Ngân hàng Bản Việt, SeABank, Techcombank (HM:TCB), NCB.
Trong đó, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 giảm 77% so với cùng kỳ năm trước từ 11.146 tỷ đồng xuống 2.550 tỷ đồng. Theo VPBank, nguyên nhân của sự chênh lệch là do quý 1 năm ngoái ngân hàng có khoản thu hỗ trợ từ hợp đồng hợp tác độc quyền với Bảo hiểm nhân thọ AIA.
Ngân hàng ghi nhận mức giảm lợi nhuận lớn nhất trong quý 1/2023 là Ngân hàng Bản Việt, với mức giảm là 85% từ 174 tỷ đồng xuống 26 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng nhận định các hoạt động kinh doanh của ngân hàng có cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng trong quý 1/2023.
Chứng khoán Maybank (MBKE) nhận định tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại trong năm 2023 so với mức nền cao năm 2022 trước những áp lực đối với biên lãi ròng (NIM) và chất lượng tài sản trong trung hạn, trong bối cảnh lãi suất tăng, thị trường vốn và bất động sản thắt chặt hơn.
Cụ thể, các chuyên gia dự báo các ngân hàng Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình khoảng 13% (so với mức tăng trưởng trung bình là 35% trong năm 2022 và 32% trong năm 2021).
Bên cạnh đó, theo báo cáo của FiinGroup, rủi ro nợ xấu cũng sẽ là yếu tố tạo áp lực lên tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng năm 2023.
Theo đó, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng lên sau khi thông tư 14 về giãn nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hết hiệu lực và đã dần phản ánh vào báo cáo tài chính
Trong đó, FiinGroup nhận định rủi ro nợ xấu tiềm ẩn từ danh mục tín dụng bất động sản (BĐS), bao gồm cho vay chủ đầu tư BĐS, cho vay người mua nhà và nợ xấu chéo từ trái phiếu BĐS. Việc cho phép tái cơ cấu dư nợ trái phiếu BĐS hiện đang trao đổi tại dự thảo Nghị định 65 cũng là thách thức nếu không sớm được thực thi.
Ngoài ra, các ngân hàng có tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp và cho vay lĩnh vực bất động sản ở mức cao sẽ đối diện áp lực tăng trích lập dự phòng, làm xói mòn lợi nhuận.