Vietstock - Cuộc "so găng" giữa Alibaba và Tencent
Alibaba và Tencent- hai gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc từ lâu đã đụng nhau trong trận chiến khốc liệt để giành ngôi thống trị không chỉ ở Đại lục, mà còn là cả Đông Nam Á.
Thế giới luôn tồn tại sự cạnh tranh giữa ít nhất hai gã khổng lồ trong mỗi lĩnh vực, như cuộc chiến không hồi kết của Coca và Pepsi, DC và Marvel hay Apple và Samsung...
Ở Trung Quốc, cuộc chiến thương mại cũng đang nổ ra giữa Alibaba và Tencent. Cả hai đều có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 500 tỷ USD. Hiện Alibaba và Tencent đều đã rót một số vốn khổng lồ, lẫn uy tín thương hiệu của họ vào các công ty khởi nghiệp, cũng như thâu tóm các công ty trong nước và nước ngoài thông qua các thương vụ M&A.
Từ cuộc chiến giành ngôi vương tại quê nhà...
Còn nhớ ở thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi Internet bắt đầu có mặt tại Trung Quốc, Jack Ma và Pony Ma bắt đầu khởi nghiệp với các công ty mà sau này phát triển thành những “gã khổng lồ” công nghệ, không chỉ của Trung Quốc mà còn trên thế giới.
Alibaba - Tencent: cuộc đua song mã giữa hai gã khổng lồ Internet.
|
Năm 1999, Jack Ma và 17 người bạn của mình đã bắt đầu xây dựng Alibaba ở một căn hộ ven hồ nằm trong khu phức hợp tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Nơi đây nổi tiếng với cảnh Tây Hồ tuyệt đẹp và hiện là một trong những thành phố giàu nhất Trung Quốc. Trụ sở chính của Alibaba nằm ở ven hồ và để vào được đó, cần phải đi qua một khuôn viên với các tòa nhà bằng thép và kính không khác gì thung lũng Silicon. Đây cũng là nơi mà công ty phát triển nền tảng DingTalk cạnh tranh với dịch vụ nhắn tin WeChat hàng đầu của Tencent.
Nếu Hàng Châu là một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc, thì Thâm Quyến, quê hương của Tencent lại là một trong những thành phố trẻ nhất của quốc gia này. Tencent bắt đầu hoạt động vào năm 1998 với sản phẩm đầu tiên là dịch vụ nhắn tin trên máy tính cá nhân QQ, là bản sao của ICQ. Đây được xem là một bản sao xuất sắc với nhiều cải tiến như cung cấp trò chơi, cuộc gọi thoại và các dịch vụ Internet khác trong nền tảng nhắn tin.
Khi một gã khổng lồ phát triển mạnh mẽ, họ sẽ muốn lấn chiếm sang lĩnh vực của kẻ khác. Điển hình gần đây Tencent đầu tư vào các dịch vụ tài chính, trong khi từ lâu lĩnh vực này đã là thế mạnh của Alibaba. Đồng thời, Alibaba cũng làm điều tương tự khi hợp tác với các đối tác cho ra mắt các công cụ nhắn tin trên di động.
Điều này vô tình đã tạo nên cuộc đua song mã giữa hai gã khổng lồ Internet tại Trung Quốc. Cuộc đua nhằm chiếm lĩnh vị trí số 1 trong nền kinh tế kỹ thuật số tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
... đến cuộc so găng ngoài biên giới
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các công ty công nghệ cao đang đặc biệt bị lôi cuốn bởi các quốc gia Đông Nam Á. ASEAN vốn được xem là một thị trường với ít đối thủ cạnh tranh có quy mô lớn, trong khi pháp lý lại có phần “lỏng lẻo” hơn so với khu vực châu Âu và Mỹ.
Bà Grace Sai, Giám đốc điều hành của Co-up working space ở Singapore cho biết: “Đông Nam Á có tỷ lệ thâm nhập di động tăng nhanh nhất, dân số có thu nhập trung bình tăng nhanh nhất và hơn 65% dân số dưới 35 tuổi. Mặt khác, hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực tương đối non trẻ với tuổi đời chỉ khoảng từ 6 đến 7 năm, và cũng chỉ có khoảng 6 đến 7 kỳ lân (biệt danh của các công ty khởi nghiệp có giá trên 1 tỷ USD)”.
Theo số liệu của IT Juzi, Trung Quốc có đến 124 startups kỳ lân, nhiều gấp 20 lần so với khu vực Đông Nam Á. Một nửa trong số đó được kiểm soát hoặc được hỗ trợ bởi bộ ba công ty công nghệ Baidu, Alibaba và Tencent. Cho đến nay, Alibaba và Tencent vẫn là những người chơi chủ chốt ở Trung Quốc.
Tháng 8/2018, Alibaba đã đánh bại Tencent để nắm giữ cổ phần thiểu số trong hãng bán lẻ trực tuyến Tokopeddia, hay còn được gọi là Taobao của Indonesia. Trước đó, vào tháng 5/2017, Tencent dẫn đầu một vòng tài trợ trị giá 1,2 tỷ USD cho Go-Jek, công ty công nghệ cung cấp dịch vụ đi chung xe có trụ sở tại Indonesia. Một ví dụ khác trong cuộc đua này là Alibaba đã hậu thuẫn cho hãng cho mượn xe đạp Ofo, trong khi Tencent lại là người đứng sau Mobike, hệ thống chia sẻ xe đạp có trụ sở ở Bắc Kinh.
Ngoài ra, Alibaba đã “vung tiền” để thâu tóm Lazada. Ông Vinnie Lauria - đối tác quản lý của Golden Gate Ventures – vốn là một người không còn xa lạ với các thương vụ M&A của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc nhận định: “Alibaba đang có kiến thức địa phương và đang bản địa hóa công ty không chỉ bằng các ngôn ngữ khác nhau, mà còn bằng đội ngũ đã tạo ra những thương hiệu được người dùng địa phương nhận diện. Đó là chìa khóa cho thành công của họ”.
Có một ngoại lệ đáng chú ý là Alibaba và Tencent đều quan tâm đến Grab, cả hai đều có quyền lợi tại Grab thông qua cổ phần trong Didi Chuxing.
Cuộc so găng giữa hai gã khổng lồ này chắc chắn sẽ còn nhiều gay cấn. Có lẽ, cả hai cần thêm thời gian để có thể làm được nhiều điều hơn.
Việt Nga