Vietstock - Dầu vọt gần 3% lên cao nhất kể từ năm 2014 sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran
Giá dầu tăng vọt lên mức cao nhất trong 3 năm rưỡi vào ngày thứ Tư (09/05), sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tuyên bố áp đặt mức trừng phạt kinh tế cao nhất lên thành viên của OPEC.
Bỏ qua những lời cầu xin từ các đồng minh, ông Trump vẫn rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran – vốn đã đồng ý vào cuối năm 2015, qua đó làm dấy lên rủi ro xảy ra xung đột ở vùng Trung Đông và làm gia tăng bất ổn về nguồn cung dầu trong lúc thị trường dầu vốn đã thắt chặt.
Nguồn: CNBC |
Tính tới lúc 10h30 ngày thứ Tư (09/05 - giờ Việt Nam), hợp đồng dầu Brent tăng 2.16 USD (tương ứng 2.89%) lên 77.01 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Còn hợp đồng dầu WTI tương lai tiến 1.95 USD (tương ứng 2.82%) lên 71.01 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 11/2014.
Các hợp đồng dầu thô tương lai tích tắc vọt lên các đỉnh cao mới sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết dự trữ dầu thô và xăng tại Mỹ giảm 2.2 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 04/05/2018.
Trong khi đó, sản lượng dầu thô tại Mỹ chạm mức kỷ lục mới tại 10.7 triệu thùng/ngày, dựa trên số liệu sơ bộ của EIA.
Ở Trung Quốc – quốc gia mua dầu từ Iran nhiều nhất, hợp đồng dầu thô Thượng Hải chạm mức cao nhất về phương diện đồng USD kể từ cuối tháng 5/2017.
“Lượng dầu xuất khẩu của Iran tới châu Á và châu Âu gần như chắc chắn sẽ giảm trong khoảng thời gian còn lại của năm 2018 và sang năm 2019 khi một số quốc gia tìm kiếm nơi mua dầu thay thế nhằm tránh gây rắc rối với Washington và khi lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực”, Sukrit Vijayakar, Giám đốc của công ty năng lượng Trifecta, cho hay.
Iran trở lại như là một quốc gia xuất khẩu dầu lớn trong năm 2016 sau khi lệnh trừng phạt quốc tế được gỡ bỏ nhưng đổi lại họ phải kìm hãm chương trình hạt nhân của mình. Trong tháng 4/2018, lượng dầu xuất khẩu của Iran ở mức 2.6 triệu thùng/ngày.
Điều này giúp Iran trở thành nhà xuất khẩu dầu lớn thứ 3 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), chỉ sau Ả-rập Xê-út và Iraq.
“Cung và cầu của thị trường dầu hiện đang khá cân bằng, nhưng có thể chuyển sang tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Giá dầu có thể tăng thêm ít nhất 10 USD, trong đó giá dầu Brent sẽ tiến gần mốc 90 USD”, Tomomichi Akuta, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Mitsubishi UFJ Research & Consulting, cho hay.
Tất cả hợp đồng dầu thô tương lai quan trọng đều chứng kiến khối lượng giao dịch tăng vọt khi nhà đầu tư gia nhập vào vị thế mới và các công ty lọc dầu tiến hành phòng ngừa để bảo vệ họ trước đà tăng của giá nguyên liệu.
Nhằm xoa dịu lo ngại của thị trường, Ả-rập Xê-út cho biết trong ngày thứ Tư rằng họ sẽ làm việc với các nhà sản xuất khác để giảm bớt tác động từ bất kỳ tình trạng thiếu hụt nguồn cung nào. Được biết, Ả-rập Xê-út là quốc gia dẫn dắt nỗ lực tiến tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng với các nhà sản xuất khác kể từ năm 2017 với mục tiêu hỗ trợ giá dầu.
Năm 2015, thỏa thuận hạt nhân Iran đã đạt được giữa Iran và nhóm nước P5+1 (bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Đức), và cứ 120 ngày Tổng thống Mỹ sẽ ký gia hạn cho việc miễn trừ các lệnh trừng phạt với Iran. Giữa tháng 1/2018, Tổng thống Trump ký gia hạn, theo ông Trump đây là lần cuối cùng thực thi thỏa thuận trừ khi Mỹ và châu Âu có thể đạt được một thỏa thuận sửa đổi mới trong vòng 120 ngày tới. Hạn chót cho việc quyết định áp trừng phạt lên Iran là ngày 12/05/2018. Iran là nước có sản lượng dầu mỏ lớn thứ 3 trong nhóm OPEC (sau Ả-rập Xê-út và Iraq), sản lượng trong năm 2017 của Iran ước đạt 3.81 triệu thùng/ngày (chiếm 12% tổng sản lượng năm 2017 của khối OPEC). |
Vũ Hạo (Theo CNBC)