Vietstock - Nhìn lại 1 năm tăng đều của tỷ giá
2018 có thể nói là một năm đầy biến động với tình hình kinh tế vĩ mô đi kèm căng thẳng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thêm vào đó là chính sách từ Chính phủ cũng phần nào tác động đến tình hình tỷ giá. Cùng điểm lại những nổi bật trên thị trường ngoại hối trong năm qua.
Theo Báo cáo tóm tắt Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tỷ giá trung tâm tăng khoảng 1.5% so với đầu năm; tỷ giá ngân hàng thương mại tăng 2.8% và tỷ giá thị trường tự do tăng 3.5%. Nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ giá trong nước tăng trước hết khi xét đến yếu tố quốc tế là chỉ số USD – Index tăng khoảng 5% so với đầu năm, tăng 9% so với mức đáy hồi tháng 02/2018, thứ hai khi xét đến yếu tố trong nước, tỷ giá vẫn chịu áp lực từ phía lạm phát song lại được hỗ trợ tích cực từ phía cân đối cung cầu ngoại tệ.
Trong năm qua có những đợt tỷ giá USD/VNĐ biến động mạnh mẽ, khiến giao dịch mua bán tại các ngân hàng cũng như ngoài thị trường tự do tăng mạnh với chênh lệch giá mua và bán. Cụ thể, có 4 đợt là vào đầu tháng 4 đến đầu tháng 5, đầu đến cuối tháng 6, giai đoạn giữa tháng 7 đến gần cuối tháng 9 và giai đoạn từ giữa tháng 11 đến nay.
Diễn biến tỷ giá trung tâm từ đầu năm đến nay (Đvt: VNĐ/USD)
Nguồn: VietstockFinance
|
Nhìn lại những đợt biến động tăng tỷ giá từ đầu năm đến nay, có thể thấy trước hết là gắn liền với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất 4 lần trong năm qua, thêm vào đó là tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, gây sức ép ảnh hưởng đến việc phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY), cuối cùng là sự can thiệp vào thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Sau 4 đợt tăng lãi suất của Fed vào các ngày 22/03, 14/06, 26/9 và 19/12 vừa qua, hầu như các đợt nâng lãi suất này đều đã được dự báo trước nên tỷ giá không thay đổi nhiều hoặc có tăng thì tăng nhẹ từ 10 – 20 đồng. Tuy nhiên, cứ sau mỗi đợt tăng, Fed lại hứa hẹn sẽ tăng tiếp sau đó, đơn cử như sau đợt cuối cùng trong năm 2018 này, Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2019, vô hình trung làm cho đồng USD mạnh lên.
Tỷ giá trung tâm đã được NHNN điều chỉnh tăng liên tiếp kể từ trung tuần tháng 11. Tính đến ngày 28/12/2018, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố là 22,825 VNĐ/USD, đã tăng 104 đồng so với thời điểm ngày 16/11 và tăng 410 đồng so với đầu năm tương đương tăng 1.82%.
Không chỉ tỷ giá trung tâm do NHNN công bố tăng, mà ngay cả USD tự do trên thị trường cũng biến động mạnh sau mỗi đợt tăng lãi suất của Fed. Chẳng hạn trong đợt tăng lãi suất lần 2 (ngày 14/06), giá USD tại thị trường tự do cũng như tại các ngân hàng đứng ở mức khá cao. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN trong ngày 18/06 là 22,700 đồng (mua) và 23,253 đồng (bán) trong khi Sacombank và Eximbank niêm yết giá bán USD ở mức 22,880 đồng/USD. Tại Vietcombank (HM:CTG), giá bán USD ở mức 22,865 đồng/USD, còn VietinBank niêm yết giá bán USD ở mức 22,878 đồng/USD.
Yếu tố vĩ mô tác động mạnh lên tỷ giá trong thời gian qua không thể không nhắc đến là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dẫn đến việc Trung Quốc buộc phải phá giá đồng Nhân dân tệ, gây sức ép lên tỷ giá VNĐ. Chiến tranh thương mại không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của Mỹ và Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến cả những nước xuất khẩu, trong đó có cả Việt Nam. Theo số liệu cập nhật từ Bloomberg, tính đến ngày 28/12/2018, VNĐ đã mất giá 2.26% so với đầu năm, trong khi CNY của Trung Quốc mất giá 5.34%. Như vậy, VNĐ đang lên giá so với CNY, điều này sẽ dẫn đến một số bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam. Khi bán ra cùng một sản phẩm, hàng Việt Nam sẽ đắt hơn so với những nước phá giá đồng tiền có chủ đích, độ cạnh tranh với những nước này sẽ gay gắt hơn do giá bán của họ rẻ hơn. Vấn đề đặt ra ở đây là, nhà điều hành có động thái can thiệp như thế nào để hàng hóa của Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác trong tình trạng tỷ giá leo thang?
“VND mất giá không phải do kinh tế…”
Sau khi tỷ giá USD/VNĐ biến động mạnh một tháng kể từ giữa tháng 6, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước khẳng định NHNN sẽ tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ khác, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Nếu cần thiết, NHNN sẽ bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá bán niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Trên biểu niêm yết của Sở Giao dịch NHNN ngày 03/07/2018, giá USD bán ra vẫn chốt ở mốc 23,050 VND, đồng nghĩa với việc nhà điều hành thực hiện đúng như thông tin đưa ra trước đó là bán với giá thấp hơn nhiều so với mức giá trần. Sau đó đến ngày 23/07/2018, NHNN nâng mạnh giá bán ra USD, lên mức 23,273 VND, thay vì mức chỉ 23,050 VND trong chính sách bán ra bình ổn thị trường những ngày trước đó. Việc điều chỉnh giá bán ra nói trên được đưa ra sau khi trạng thái ngoại tệ của hệ thống đã dương trở lại và đưa giá bán ra trở về như trước đây, thấp hơn trần 50 đồng.
Hay như vừa mới đây, NHNN thông báo sẽ thực hiện bán ngoại tệ trong hai phiên 23 và 26/11/2018, ngày đến hạn là 31/01/2019, tỷ giá bán kỳ hạn là 23,462 VND/USD cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm và có nhu cầu mua ngoại tệ. Mức tỷ giá như trên hiện chỉ cao hơn 0.37% mức giá bán ra của Sở giao dịch NHNN trong ngày 26/11 tại 23,375 VNĐ/USD.
Động thái bán ngoại tệ kỳ hạn này của NHNN xảy ra trước khi Fed nâng lãi suất lần thứ 4, cho thấy hành động đảm bảo nguồn cung cho các tổ chức tín dụng trước nguy cơ Fed nâng lãi suất gây ảnh hưởng đến tỷ giá. Đây cũng được xem như là hành động trấn an thị trường của NHNN.
Trước đây, ông Andy Ho - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư Tập đoàn VinaCapital tại hội nghị thường niên các nhà đầu tư vào thời điểm 11/10 đã có nhận định, “khi thị trường tiền tệ đi xuống, ở Đông Nam Á chỉ có 2 thị trường là Thái Lan và Việt Nam không đi xuống mạnh, là do dự trữ của Việt Nam cao và do tiền USD vay thương mại ít. Rõ ràng VNĐ mất giá không phải do kinh tế mà do Nhà nước muốn Việt Nam cạnh tranh hơn về xuất khẩu so với các nền kinh tế khác”.
Áp lực tỷ giá năm 2019 sẽ giảm?
Về vấn đề NHNN điều chỉnh tỷ giá trung tâm theo chiều hướng tăng liên tục từ đầu tháng 11, PGS. TS Trương Quang Thông – Đại học Kinh tế cho biết, “điều chỉnh tỷ giá trung tâm theo chiều hướng tăng có thể do NHNN dự trù khả năng Fed sẽ gia tăng lãi suất USD trong sắp tới”.
Nhìn chung, hành động Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD tăng giá, sẽ tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI; thanh khoản sẽ căng thẳng hơn, gây khó khăn trong việc thực thi kế hoạch đầu tư.
Dòng vốn FDI giải ngân trong năm 2018 (Đvt: Tỷ USD)
Nguồn: VietstockFinance
|
Song hiện tại thì nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào. Nguồn vốn FDI giải ngân năm 2018 tăng trưởng tích cực so năm trước. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ước tính cả năm 2018, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 19.1 tỷ USD, tăng 9.1% so với cùng kỳ 2017.
Giá trị xuất nhập khẩu trong năm 2018 (Đvt: Tỷ USD)
Nguồn: VietstockFinance
|
Theo số liệu mới nhất từ Tổng Cục Thống kê, cả năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 244.72 tỷ USD, tăng 13.8% so với năm 2017; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 237.51 tỷ USD, tăng 11.5% so với năm trước. Theo đó, đưa mức thặng dư của cả nước lên 7.21 tỷ USD. Thặng dư thương mại ở mức cao cũng giúp nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn trong năm qua.
Hơn nữa, dòng vốn kiều hối vốn là nguồn cung ngoại tệ đáng kể trong những năm qua cũng tăng mạnh. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), ước tính năm 2017, kiều hối Việt Nam đạt 13.8 tỷ USD. Vừa qua, WB đưa ra dự báo trong năm 2018 dự kiến kiều hối là 15.9 tỷ USD, đưa Việt Nam tiếp tục nằm trong top những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới năm nay. Kiều hối đóng góp 6.6% GDP Việt Nam.
Thế nhưng trong năm 2019, Fed có thể sẽ có 2 lần tăng lãi suất USD, điều này sẽ tác động đến dòng kiều hối chuyển về nước nhằm hưởng lãi như thời gian qua. Hơn nữa, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc là một biến số, có thể tạo ra khủng hoảng nếu giữa hai bên không đạt được thỏa thuận nào. Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, USD sẽ tăng giá và áp lực lên tiền đồng mất giá. Lúc này, kiều hối sẽ không còn thuận lợi như những năm trước.
PGS. TS Trương Quang Thông cũng dự báo trong thời gian tới, dự trữ ngoại hối khá dồi dào, có thể là một đảm bảo cho tính ổn định tương đối của tỷ giá USD/VND trong ngắn hạn. Đương nhiên, còn nhiều nhân tố khác, trong đó có lãi suất đồng nội tệ.
Còn theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, trong năm 2019, áp lực lên tỷ giá được giảm thiểu do các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo. Khả năng USD sẽ không tăng nhiều thậm chí có thể suy yếu hơn, lạm phát trong nước có khả năng kiểm soát khoảng 4%, do giá hàng hóa thế giới tăng không lớn, dẫn đến áp lực lên tỷ giá giảm bớt.
Cát Lam