Vietstock - Nhà Trắng có thể tập trung toàn lực vào Trung Quốc
Với việc tận dụng các thỏa thuận thương mại với Canada, Mexico và Hàn Quốc như đòn bẩy về thương mại, Washington có thể thắt chặt chính sách thương mại với Trung Quốc và những hành vi thương mại không công bằng từ Bắc Kinh.
Một số chuyên gia cho biết, đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc – xuất phát từ hàng rào thuế quan – có thể khiến Bắc Kinh sẵn lòng tiến tới thỏa thuận, trong khi nhiều chuyên gia khác vẫn tin rằng Trung Quốc sẽ không lùi bước và sẽ đáp trả lại các động thái thương mại kế tiếp của Mỹ bằng cách nâng rào cản pháp lý đối với các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc đại lục.
Vào ngày Chủ nhật (30/09), Mỹ và Canada đã tiến tới một thỏa thuận vào phút chót để thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) bằng Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Nhờ đó, khu vực có quy mô thương mại 1,200 tỷ USD tránh khỏi nguy cơ sụp đổ sau khi tồn tại trong gần một phần tư thế kỷ.
Với những bước tiến trên, Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), Robert Lighthizer, giờ có thể chuyển toàn bộ sự chú ý sang Trung Quốc, Deborah Elms, Giám đốc điều hành tại Trung tâm Thương mại châu Á (ATC), cho hay. “Ông ấy muốn giải quyết vấn đề về Trung Quốc. Những vấn đề còn lại chỉ là sự sao nhãng với công việc thực sự. Giờ thì ông ấy có thể tập trung vào Trung Quốc cả ngày lẫn đêm. Với tầm quan trọng của Lighthizer đối với các chính sách thương mại của Mỹ, đây là xu hướng đáng lo ngại cho Trung Quốc”.
Patrick Perrett-Green, Chiến lược gia tại AdMacro, cũng có đồng quan điểm. Ông cho rằng: “Washington giờ có thể dồn toàn lực vào Trung Quốc”.
Ông Elms cho rằng, cách tiếp cận cứng rắn của chính quyền Donald Trump với các cuộc đàm phán có thể hiệu quả, nhưng không chắc là nó có hiệu quả khi áp dụng với Trung Quốc hay không. Chưa hết, điều này còn có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
“Phương pháp của ông Trump đang có tác dụng – Hàn Quốc, Canada, Mexico, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU ) đều ít nhiều nhượng bộ”, ông Elms cho biết. “Tuy nhiên, tôi cho rằng Trung Quốc lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Một phần vì những điều chính quyền Mỹ muốn từ Trung Quốc khá mập mờ. Phần khác vì Trung Quốc ít quan tâm đến việc Trump có thể làm gì”.
Không như những yêu cầu về NAFTA mới, các yêu cầu của Washington đối với Trung Quốc “dường như khá mù mờ - trộn lẫn giữa khả năng tiếp cận thị trường, chấm dứt chuyển giao công nghệ, giảm bớt lượng hàng hóa xuất khẩu tới Mỹ và giảm bớt tình trạng sản xuất quá mức”, Rachel Ziemba, Chuyên viên phân tích thị trường mới nổi tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS). “Rất khó để thương lượng khi vẫn còn chưa rõ một thỏa thuận hợp lý sẽ trông như thế nào”.
Richard Jerram – Trưởng Bộ phận Kinh tế tại Bank of Singapore – cũng tỏ ra đồng tình với quan điểm trên. “Trung Quốc khác biệt một cách căn bản” so với “lợi ích kinh tế” đã thúc đẩy Mỹ tiến tới sửa đổi NAFTA.
“NAFTA chỉ cần thay đổi một chút thôi. Còn Trung Quốc dường như phản ánh một sự căng thẳng căn bản giữa các nước lớn”, ông cho biết.
Tony Nash – CEO kiêm nhà sáng lập Complete Intelligence – cho rằng, thành công của Lighthizer trong các hiệp định thương mại gần đây là “điềm báo tốt cho cuộc nói chuyện Mỹ - Trung”.
“Trung Quốc cũng có nhiều khó khăn trong nền kinh tế nội địa… Vì vậy, tôi vẫn tin rằng Trung Quốc sẽ ngồi vào bàn đàm phán và nhượng bộ đáng kể”, ông nhấn mạnh.
Việc hoàn tất thỏa thuận với Canada và Mexico cũng giúp Mỹ khôi phục quan hệ đồng minh vốn rạn nứt từ đầu năm do thuế nhập khẩu nhôm thép của nước này.
Ziemba dự báo cuối cùng, Mỹ vẫn có thể đạt thỏa thuận với Bắc Kinh. Tuy nhiên, điều này “sẽ không hề dễ dàng và kéo dài”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)