Vietstock - Vàng thế giới quay đầu tăng giá sau 3 phiên giảm
Các hợp đồng vàng tương lai ghi nhận phiên tăng giá đầu tiên trong 4 phiên vào ngày thứ Năm (10/05), đóng cửa tại mức cao nhất trong gần 2 tuần, khi chỉ số giá tiêu dùng không cao như dự báo của các chuyên gia kinh tế, qua đó góp phần làm đồng USD suy yếu, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao tháng 6 tiến 9.30 USD (tương đương 0.7%) lên 1,322.30 USD/oz, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 27/04/2018. Ngay cả với 3 phiên sụt giảm liên tiếp cho đến ngày thứ Tư (09/05), vàng đã bị hạn chế trong một phạm vi hẹp sau khi chạm đáy 2 tháng 1,305.60 USD/oz hồi tuần trước.
Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Năm, hợp đồng vàng giao ngay cộng 0.66% lên 1,321.11 USD/oz.
Colin Cieszynski, Giám đốc chiến lược thị trường tại SIA Wealth Management, nhận định: “Vàng vẫn mắc kẹt trong phạm vi từ 1,300 – 1,360 USD/oz. Rõ ràng, sẽ có một sự kiện bất ngờ đáng kể để đưa vàng ra khỏi phạm vi này. Những thay đổi rủi ro chính trị liên quan đến Iran và Triều Tiên chưa thể làm được điều này, và đà leo dốc gần đây của đồng USD cũng không thể làm được điều tương tự. Theo đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng không thể thoát khỏi mốc 3% theo cả 2 hướng”.
Vàng khởi sắc vào đầu phiên ngày thứ Năm khi một báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng nhích 0.2% trong tháng 4, thấp hơn so với dự báo từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của MarketWatch, và chỉ số giá tiêu dùng cơ sở, trừ thực phẩm và năng lượng, thậm chí chỉ tiến 0.1%.
Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 2.5% trong 12 tháng qua, tỷ lệ cao nhất trong 14 tháng. Tuy nhiên, mức tăng bình quân hàng năm của chỉ số giá cơ sở không đổi ở mức 2.1%, thấp hơn dự báo, qua đó có khả năng làm dịu lo ngại lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ngoài ra, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vẫn gần mức thấp nhất trong 49 năm, cho thấy thị trường lao động mạnh mẽ, mặc dù thị trường này có mức tăng trưởng tiền lương thấp, qua đó hỗ trợ kế hoạch nâng lãi suất của Fed.
Lạm phát có thể là một chủ đề tác động trái chiều đến vàng. Với khả năng thúc đẩy lãi suất tăng cao, các dấu hiệu lạm phát có thể làm giảm tính hấp dẫn của vàng, vì kim loại quý không đem lại lợi suất. Đồng thời, vai trò truyền thống của vàng như một tài sản phòng ngừa lạm phát có thể thu hút một số nhà đầu tư.
Vào ngày thứ Năm, chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – lùi 0.4% xuống 92.68. Được biết, đồng USD suy yếu có thể tác động tích cực đến vàng, vốn được neo giá theo đồng bạc xanh.
Trong khi đó, chứng khoán nhảy vọt, trong đó Dow Jones đang ghi nhận chuỗi leo dốc dài nhất kể từ tháng 2/2018, qua đó làm giảm nhu cầu của tài sản trú ẩn an toàn như vàng.
Trong số các kim loại trên sàn Comex, hợp đồng bạc giao tháng 7 tiến 1.3% lên 16.759 USD/oz. Hợp đồng đồng giao tháng 7 tăng 1.7% lên 3.11 USD/lb.
Hợp đồng bạch kim giao tháng 7 cộng 0.9% lên 925.10 USD/oz. Hợp đồng paladi giao tháng 6 vọt 2.4% lên 993.90 USD/oz.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, chứng chỉ quỹ SPDR Gold Trust tiến 0.7%, còn chứng chỉ quỹ iShares Silver Trust tăng 1.4%.
Diễn biến giá vàng giao ngay 3 phiên vừa qua
Nguồn: Kitco
|
Diễn biến giá vàng giao ngay trên sàn New York
Nguồn: Kitco
|
An Trần