Vietstock - Doanh nghiệp Việt nói gì về Chiến tranh thương mại?
Tại hội thảo về Chiến tranh thương mại sáng ngày 23/11/2018, bên cạnh các chuyên gia nhận định về tác động của cuộc chiến còn có sự góp mặt của những người đang điều hành sản xuất kinh doanh trong ngành nhựa và thép, đã nói về những tác động đến ngành của mình và những bước đi sắp tới.
Ngành thép ra sao trong cuộc chiến?
Mở đầu, ông Võ Minh Nhựt - Tổng Giám đốc NS BlueScope nhận định, riêng ngành thép của Việt Nam nói chung và của NS BlueScope nói riêng chịu ảnh hưởng tiêu cực do mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 (Trade Expansion Act). Vì thế, vài năm trở lại đây ngành thép biến động lao đao và đang có phần hụt hơi.
Ngược lại, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thép biến động không phải do việc bị áp thuế tại mục 232 mà là do cuộc khủng hoảng thừa của thép vào khoảng 4-5 năm trước.
Tuy bên cạnh những tiêu cực đó, ông Nhựt vẫn lạc quan khi đề cập về dòng vốn FDI về Việt Nam, trong đó lĩnh vực xây dựng và bất động sản tăng đột biến, kéo theo sự khởi sắc nhẹ của ngành thép trong nước.
Riêng đối với BlueScope, ông Nhựt đưa ra một số giải pháp mà Công ty đã thực hiện đối phó với bối cảnh hiện nay. Trước hết là tạo ra giá trị mới bằng cách giới thiệu công nghệ và sản phẩm đột phá (tập trung vào mảng công trình dự án đạt chuẩn chứng chỉ xanh). Tiếp đến là thực hiện phát triển các giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp gia công (composite deking & comfortable building) và cuối cùng là đa dạng các sản phẩm cũng như tìm kiếm thị trường tiềm năng mới như châu Phi, Caribe và Nam Mỹ.
Các diễn giả tại Hội thảo Chiến tranh thương mại sáng ngày 23/11/2018.
|
Ngành nhựa có đủ sức “gồng” mình?
Ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Rạng Đông (HOSE: RDP) đưa ra bức tranh hiện tại của ngành nhựa, ông cho rằng chiến tranh thương mại này vừa mang lại nhiều cơ hội và cũng đối mặt không ít thách thức.
Theo ông Lam, cuộc chiến thương mại này tạo làn sóng chuyển dịch đầu tư sản xuất vào thị trường Việt Nam trong đó có ngành nhựa của các doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Trung Quốc. Hưởng lợi từ việc chuyển dịch sản xuất này giúp một bộ phận nhỏ công nhân ngành nhựa Việt Nam sẽ được tăng lương do tác động lôi kéo lực lượng lao động có tay nghề về ngành. Đồng thời, toàn thể người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội tiếp cận thêm nguồn sản phẩm nhựa với giá rẻ hơn.
Ngoài ra, theo ông Lam, hiện nay, Mỹ cũng muốn tìm một đối tác để xây dựng quan hệ chặt chẽ ở khu vực. Việt Nam có thể là một đối tác mà phía Mỹ muốn thúc đẩy quan hệ trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, Việt Nam và một số nước có thể có các FTA song phương với Mỹ.
Tuy nhiên, ông Lam cũng e ngại rằng, ngành nhựa Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ nhập siêu sản phẩm nhựa từ Trung Quốc và xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc cũng sẽ khó khăn hơn. Việc đồng Nhân dân tệ bị rớt giá làm hàng hóa từ Trung Quốc rẻ hơn chặn đường xuất khẩu các sản phẩm tương tự của Việt Nam trên thị trường thế giới. Thách thức hơn nữa đó là việc giới chức tỉnh Quảng Tây hiện đang thúc đẩy ý tưởng hình thành các “khu vực phát triển kinh tế biên mậu”. Tại đây, các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể lắp ráp sản phẩm và dán nhãn “Made in Vietnam” để né thuế Mỹ.
Trước tình hình đó, ông Lam chia sẻ rằng các doanh nghiệp nhựa nên cải tiến – cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng tinh gọn; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhựa đầu vào nhằm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam; và phải tìm hiểu kĩ các quy định trong Hiệp định thương mại kiểu mới.
Đưa ra lời khuyên trong bối cảnh mới, bà Trang cho rằng doanh nghiệp sản xuất nên theo dõi tình hình, để có ứng xử kịp thời với từng biến động. Doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu rõ cơ hội ở đâu, dành cho mặt hàng nào, cơ hội ra sao.
Hiện đã có những công bố về danh sách sản phẩm bị áp thuế đợt 1 (25%) nhóm 50 tỷ USD và đợt 2 (10%) nhóm 200 tỷ USD. Từ đó doanh nghiệp phải sẵn sàng hành động, chớp cơ hội như tìm hiểu khách hàng của các sản phẩm bị áp thuế là ai để tiếp cận chào hàng, và chuẩn bị năng lực đáp ứng.
Theo bà Trang, với doanh nghiệp, trong mọi trường hợp, để tận dụng được cơ hội, doanh nghiệp phải có năng lực cạnh tranh, phải có năng lực sáng tạo trong việc tìm ra được thị trường của mình, đặc biệt là thị trường ngách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau, bởi trong thương mại quốc tế, các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, “đánh không chỉ đánh một doanh nghiệp mà đánh cả ngành sản xuất”. Khi đó tác động tiêu cực là rất lớn.
Chốt lại, Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, cuộc chiến thương mại không ai có thể biết khi nào mới yên trở lại. “Trâu bò đánh nhau thì ruồi muỗi chết” đã xưa rồi, trong bối cảnh này, không chỉ ngành thép, ngành nhựa mà tất cả các ngành trong nền kinh tế Việt Nam phải tự tạo ra sự khác biệt, nắm lấy cơ hội khi Mỹ - Trung “đánh” nhau.
Phương Nguyễn - Thái Hương