Vietstock - Dow Jones và S&P 500 chứng kiến phiên sụt giảm mạnh nhất trong 6 tuần
Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm mạnh trong ngày thứ Năm, trong đó,cả Dow Jones lẫn S&P 500 đều chứng kiến phiên sụt giảm mạnh nhất trong 6 tuần do nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục giảm sâu, Reuters đưa tin.
Vào ngày thứ Năm, lĩnh vực công nghệ, vốn dẫn đầu vào đà leo dốc 8% của S&P 500 trong năm nay, đã sụt 1.8% và là lĩnh vực có thành quả tồi tệ nhất. Đà sụt giảm của cổ phiếu các ông lớn ngành công nghệ, bao gồm Apple và Microsoft, đã tác động tiêu cực nhất đến S&P 500.
Trong khi đó, lĩnh vực tài chính và năng lượng là các lĩnh vực duy nhất khởi sắc khi nhà đầu tư quay trở lại các nhóm đã suy yếu trong năm nay.
Cụ thể, ngành tài chính tiến 0.7% và trở thành điểm sáng trên thị trường chứng khoán.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng điểm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông qua kế hoạch gia tăng chia cổ tức và mua lại cổ phiếu theo chương trình kiểm định thường niên. Trong đó, cổ phiếu Wells Fargo vọt 2.7% và cổ phiếu Citigroup leo dốc 2.8%.
Nhóm cổ phiếu năng lượng nhích 0.1%. Giá dầu đã khởi sắc sau khi sản lượng dầu thô tại Mỹ sụt giảm, qua đó tạm thời xoa dịu những lo ngại về tình trạng dư cung.
Nasdaq Composite lần đầu tiên đóng cửa tại mức thấp hơn mức bình quân 50 ngày kể từ ngày 13/04/2017.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, vọt lên 15.16, mức cao nhất trong 6 tuần.
Các nhà đầu tư cũng có thể lo ngại về đà tăng của lãi suất toàn cầu, khi một loạt nhận định “diều hâu” từ các ngân hàng trung ương báo hiệu sự bắt đầu của việc chấm dứt chính sách tiền tệ nới lỏng. Chứng khoán châu Âu cũng nhuốm một sắc đỏ.
Mùa báo cáo lợi nhuận quý 2 đang đến gần, thị trường đã trải qua vài ngày biến động. Chỉ mới hôm thứ Tư, Nasdaq Composite đã chứng kiến phiên có thành quả tốt nhất kể từ ngày 07/11/2016.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng tỏ ra quan ngại về tình trạng tăng trưởng kinh tế ảm đạm của Mỹ khi Fed đang nâng lãi suất từ mức rất thấp.
Dữ liệu cho thấy trong quý 1/2017 nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn so với dự báo ban đầu do chi tiêu tiêu dùng tăng đột ngột và xuất khẩu nhảy vọt.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones lùi 167.58 điểm (tương đương 0.78%) xuống 21,287.03 điểm, chỉ số S&P 500 mất 20.99 điểm (tương đương 0.86%) còn 2,419.7 điểm và chỉ số Nasdaq Composite sụt 90.06 điểm (tương đương 1.44%) xuống 6,144.35 điểm.
Số cổ phiếu giảm vượt số cổ phiếu tăng trên sàn New York theo tỷ lệ 2.38:1. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này cũng là 1.69:1.