Vietstock - Hé lộ thu nhập của lao động trong ngành phụ trợ hàng không Việt
Lao động tại các doanh nghiệp dịch vụ hàng không đang hưởng mức thu nhập rất cao so với nhóm ngành khác, thậm chí, có người nhận mức thu nhập hơn 240 triệu đồng mỗi tháng.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mới đây công bố kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các đơn vị thanh viên. Bản kết luận thanh tra này cũng tiết lộ mức thu nhập của người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ hàng không này.
Đơn vị nào có lao động hưởng thu nhập cao nhất?
Theo đó, hầu hết lao động tại ACV và các công ty thành viên đang được áp dụng mức lương tối thiểu 4,3 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mức thu nhập thực lĩnh của các lao động tại đây cao gấp nhiều lần.
Tại Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội, nơi ACV đang nắm giữ 20% vốn doanh nghiệp hiện có khoảng 864 lao động với mức thu nhập bình quân hơn 12,3 triệu đồng/người/tháng. Số này đã giảm hơn 400.000 đồng so với năm 2016 trước đó. Tuy nhiên, đây chỉ là con số bình quân, trên thực tế, kết luận thanh tra cho biết tại công ty này mức thu nhập cao nhất của nhân sự có người lên tới 156 triệu/tháng, tương đương 1,9 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, người có thu nhập thấp nhất tại đây chỉ đang nhận được 6,8 triệu đồng mỗi tháng.
Lao động tại các công ty mặt đất thuộc lĩnh vực phụ trợ hàng không đang nhận mức thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
|
1,9 tỷ đồng một năm vẫn chưa phải mức thu nhập cao nhất của người lao động tại các công ty thành viên của ACV. Hiện nay, mức thu nhập cao nhất của một lao động tại nhóm công ty dịch vụ hàng không này thuộc về Công ty TNHH Dịch vụ bảo dưỡng máy bay cảng hàng không miền Nam. Theo đó, sau khi cộng cả tiền lương cùng các khoản trợ cấp, phụ cấp khác, người lao động có mức thu nhập cao nhất tại công ty này nhận về tới 245,7 triệu đồng/tháng, tương đương 3 tỷ đồng mỗi năm. Mức thu nhập này đã tăng 18% so với năm 2016.
Cũng tại công ty chuyên bảo dưỡng máy bay này, thu nhập bình quân của lao động lên tới 33,6 triệu đồng/người/tháng. Đây đồng thời là mức thu nhập bình quân cao nhất trong số các công ty thành viên thuộc ACV.
Hàng loạt lao động tại các công ty thành viên khác cũng đang hưởng mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (chi nhánh của ACV), mức thu nhập bình quân của lao động tại đây mỗi tháng là 25,6 triệu đồng, tăng 1,3 triệu so với năm trước đó. Cũng tại chi nhánh này, người có thu nhập cao nhất được chi trả tới 115 triệu đồng/tháng, xấp xỉ 1,4 tỷ đồng vào năm 2017. Nhóm lao động có thu nhập thấp nhất tại đây cũng đạt gần 20 triệu/người/tháng.
Còn tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, người lao động tại đây đang hưởng mức thu nhập bình quân khoảng 24,7 triệu/tháng, số này đã giảm gần 2 triệu so với năm 2016. Người lao động có thu nhập cao nhất tại đây đang được chi trả 107 triệu/tháng, tăng hơn 27 triệu mỗi tháng so với năm 2016. Còn lao động có thu nhập thấp nhất cũng đã tăng lên từ 12,7 triệu năm 2016 lên hơn 15,5 triệu/tháng vào năm 2017.
Trong khi đó, tại chi nhánh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, dù người lao động có thu nhập cao nhất tại đây đã tăng hơn 10 triệu/tháng so với năm 2016, thì vẫn ở mức thấp nhất trong số 3 chi nhánh của ACV. Cụ thể, lao động có thu nhập cao nhất tại chi nhánh Đà Nẵng năm vừa qua nhận về 82,7 triệu đồng/tháng (992 triệu đồng cả năm), lao động nhận mức thu nhập thấp nhất là 14,9 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập bình quân của lao động tại đây năm vừa qua là 23,4 triệu/tháng, không thấp hơn quá nhiều so với chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM.
Thu nhập ra sao nếu so với phi công, tiếp viên
Nhìn chung, mức thu nhập của lao động tại các công ty phụ trợ hàng không tương đương thu nhập của nhóm lao động tại các hãng hàng không hiện nay, thậm chí cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân tại Vietjet Air. Trong khi đó, mức lương cao nhất thậm chí còn cao hơn mức thu nhập bình quân của các phi công, vốn được xem là ngành nghề được trả lương cao tại Việt Nam.
Báo cáo thường niên năm 2017 của các hãng hàng không Việt cho biết mức thu nhập bình quân với chức danh phi công đạt khoảng trên 100 triệu/tháng, trong khi mức lương của các vị trí tiếp viên chỉ bằng 1/5 số này.
Tại Vietnam Airlines mức lương bình quân phi công năm 2016 là 115,3 triệu/tháng (gần 1,4 tỷ đồng/năm), số này tăng thêm 5% vào năm 2017 tương đương khoảng 121 triệu đồng/tháng (1,45 tỷ đồng/năm). Trong khi đó, mức thu nhập bình quân của các tiếp viên hàng không của hãng nhận về vào khoảng 27-28 triệu đồng mỗi tháng.
Báo cáo thường niên 2017 của Vietjet Air cho biết năm qua hãng có tổng cộng 3.162 nhân viên, trong đó, bao gồm 499 phi công, 1.046 tiếp viên và 592 kỹ sư hàng không. Thu nhập bình quân của nhân viên hãng hàng không này cũng chỉ đạt 15 triệu/người/tháng. Đối với vị trí phi công tại đây được chi trả mức thu nhập khoảng 180 triệu đồng/người/tháng (2,16 tỷ đồng mỗi năm).
Như vậy thu nhập bình quân của vị trí phi công này vẫn chưa vượt qua mức 245,7 triệu/người/tháng mà Công ty TNHH Dịch vụ bảo dưỡng máy bay cảng hàng không miền Nam đang chi trả cho một số người lao động của mình.
Quang Thắng