Vietstock - Chặn rác phế liệu nhập khẩu
Nguy cơ VN bị biến thành bãi chứa rác khổng lồ từ chính sách đóng cửa nhập phế liệu của Trung Quốc.
VN có thể học Trung Quốc chính sách đóng cửa nhập khẩu phế liệu. QUANG HUY
|
Cảng ùn ứ rác phế liệu
Số liệu từ Cục Hàng hải VN, tính đến cuối tháng 5, khu vực cảng biển VN có nguy cơ tồn đọng gần 28.000 container hàng. Trong đó, khu vực cảng biển Hải Phòng tồn hơn 6.700 container, TP.HCM tồn hơn 14.600 container và Bà Rịa-Vũng Tàu là hơn 6.500 container. Nhóm hàng đang có nguy cơ tồn đọng lâu dài là hàng điện tử cũ, phân bón, nông sản, nhôm, nhựa, giấy phế liệu, ô tô… Riêng tại Tân cảng Cát Lái - TP.HCM, hơn 8.000 container hàng tồn là giấy, nhựa phế liệu. 1/3 số đó đã tồn trên 90 ngày (chiếm hơn 10% sức chứa của cảng).
Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc cấm, ngăn chặn nhập phế liệu vào nước này để ngỏ khả năng phế liệu sẽ ồ ạt chảy vào các nước Đông Nam Á, trong đó có VN. Thực tế, ngay từ đầu năm nay, khi Trung Quốc ra thông báo ngừng nhập khẩu 24 mặt hàng phế liệu có thể tái chế được, cơ quan hải quan cũng ra cảnh báo về vấn đề này. Từ đầu tháng 6, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã thông báo từ chối doanh nghiệp (DN) nhập khẩu phế liệu về cảng. Cảng Cát Lái cũng thông báo không nhận phế liệu từ cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Tân cảng Hiệp Phước.
VN phải chi tiền để xử lý?
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, nhận định trong tình hình biến động về chính sách nhập khẩu phế liệu thế giới, VN không thể vô tư để bị biến thành bãi đáp rác công nghiệp của các nước. Hiện tại, với hàng phế liệu tồn đọng ở các cảng do chủ lô hàng không có giấy phép nhập khẩu phế liệu hoặc giấy phép quá hạn, cơ quan hải quan kiên quyết không cho làm thủ tục nhập. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất theo ông Thắng là hàng tồn nhiều loại, cả phế liệu dùng cho sản xuất được phép nhập lẫn trong phế liệu bị cấm nhập.
PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Tổng thư ký phụ trách phía nam Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, lưu ý trong lượng phế thải các loại tồn đọng tại cảng, phải chia thành hai nhóm để giải quyết nhanh hơn. Thứ nhất là phế liệu được phép nhập để sản xuất, và phế liệu có lẫn nhiều tạp chất gây độc hại, vi phạm quy chuẩn môi trường mà nhà nước cấm. Với các DN nhập khẩu về cảng nhưng không có giấy phép, vi phạm về tỷ lệ tạp chất, chất độc hại phải buộc tái xuất. “Liên quan đến rác thải, xuất đi thì dễ, nhận lại rất khó. Thế nên giải pháp trước mắt phải tập trung nguồn lực tiến hành kiểm định, phân loại rác tại cảng ngay lập tức. Nếu đúng phế liệu dùng tái sản xuất được, nhưng DN “bỏ của” do không có giấy phép hay giấy phép hết hạn…, hải quan cho bán đấu giá để sản xuất trong nước. Nếu đúng loại rác thải bỏ, không tái xuất được, không lấy tiền phạt được từ nhà nhập khẩu, e phải dùng ngân sách để xử lý”, ông Sỹ nêu quan điểm.
Theo chuyên gia này, việc bắt buộc đóng ký quỹ và ra quy định phạt thật nặng đối với DN nhập khẩu hàng phế liệu bị cấm là cần thiết. Cần “siết” ngay trước khi vào VN bằng công tác kiểm tra nguồn hàng, xuất xứ, mặt hàng và DN nhập phế liệu…; chứ còn để vào cảng thì sẽ dẫn đến tình trạng ùn ứ và chúng ta lại mất tiền xử lý như nói trên.
Nguyên Nga