Vietstock - Hơn 100.000 tỉ đồng xây Đặc khu Bắc Vân Phong
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết vốn đầu tư cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong khoảng 115.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách chiếm chủ yếu
Ngày 13-12, UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp với các sở, ngành chức năng về đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (đặc khu Bắc Vân Phong) thuộc tỉnh Khánh Hòa, trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Vạn Ninh.
Lấy toàn bộ huyện Vạn Ninh
Một trong những nội dung quan trọng của cuộc họp là xem xét, đề xuất công tác nhân sự điều hành Đặc khu Bắc Vân Phong. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Huyện Vạn Ninh sẽ hình thành Đặc khu Bắc Vân Phong.
|
Về diện tích Đặc khu Bắc Vân Phong, HĐND tỉnh Khánh Hòa tán thành việc lấy toàn bộ huyện Vạn Ninh gồm 111.000 ha, trong đó 56.000 ha mặt đất và 55.000 ha mặt nước, dân số hơn 128.000 người của 13 xã, thị trấn để thành lập Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc lấy cả huyện Vạn Ninh làm đặc khu có ưu điểm là không phát sinh thêm đơn vị hành chính và biên chế cán bộ mới, không phải xây dựng trụ sở, thuận lợi cho việc xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế, không gây xáo trộn tâm lý người dân.
Về định hướng phát triển, trong Đặc khu Bắc Vân Phong, ở bán đảo Hòn Gốm, đảo Hòn Lớn sẽ phát triển dịch vụ vận tải biển và logistics, dịch vụ thương mại - tài chính; khu vực Cổ Mã - Tu Bông làm dịch vụ du lịch, y tế, giáo dục tiêu chuẩn quốc tế, công nghiệp công nghệ cao; thị trấn Vạn Giã và phía Nam phát triển đô thị và dịch vụ công nghệ cao, du lịch sinh thái; phía Tây Quốc lộ 1 phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết từ nay đến năm 2025, dự kiến cần 53.000 tỉ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, xây dựng 9 tuyến đường trục chính, 5 gói đường nội khu với 49 tuyến, xây dựng khoảng 20 km đường sắt từ cảng trung chuyển Vân Phong đến đường sắt Bắc Nam và 2 nhà ga. Bên cạnh đó, xây dựng thêm hệ thống điện 300 km; hệ thống nước lấy từ hồ Hoa Sơn và xây mới hồ Đồng Điền khoảng 95 triệu m3; hệ thống cung cấp nước sạch, xử lý rác, hệ thống liên lạc...
Ngoài ra, cần 46.500 tỉ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội như 65 trường mẫu giáo, 39 trường THCS, 26 trường THPT; 3 bệnh viện, 67 trạm y tế, phòng khám; sân vận động, cung văn hóa... Đồng thời, khâu giải phóng mặt bằng cũng cần 15.000 tỉ đồng và 80 tỉ đồng làm quy hoạch.
Cần cơ chế riêng
Về đầu tư hạ tầng cho đặc khu, phân kỳ đến năm 2020 cần khoảng 23.000 tỉ đồng, giai đoạn 2021-2025 khoảng 73.000 tỉ đồng. UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết sẽ phải huy động từ nguồn vốn ngoài ngân sách, trong đó mời các nhà đầu tư làm dự án theo hình thức BOT, BT, PPP với khoảng 20.000 tỉ đồng. Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa xây dựng đặc khu.
Theo ông Vinh, việc quy hoạch Đặc khu Bắc Vân Phong cần theo hướng lập chung một quy hoạch, thay vì 2 như hiện nay. Đồng thời, Khánh Hòa kiến nghị Chính phủ cho thực hiện cơ chế tự thỏa thuận xem xét giá trị hợp đồng và thanh toán với đơn vị tư vấn quốc tế chí phí lập quy hoạch.
Khánh Hòa cũng đề nghị có chính sách đặc thù để lại toàn bộ số thu từ xuất nhập khẩu trên địa bàn Khu Kinh tế Vân Phong hiện tại và tại Đặc khu Bắc Vân Phong đến năm 2030. Đồng thời, để lại 50% cho địa phương đối với phần ngân sách trung ương được hưởng để bổ sung cho đặc khu trong 5 năm kể từ ngày thành lập.
Để thuận lợi về giao thông, ông Vinh cũng đề nghị khi xây dựng đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc Nam, nhất là cao tốc Sài Gòn - Nha Trang, Chính phủ cho phép chủ đầu tư kéo dài những tuyến này đến khu vực Bắc Vân Phong (thêm 80 km). Trước mắt, ưu tiên thực hiện trước đoạn từ sân bay quốc tế Cam Ranh đến đặc khu. Trong thời gian thực hiện các thủ tục lập và quy hoạch đặc khu, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị cho phép thu hút một số nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư vào đặc khu.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng thống nhất sẽ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 để kịp khởi công trong năm 2018; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư hồ thủy lợi Đồng Điền với kinh phí 5.000 tỉ đồng để cấp nước cho đặc khu trong tương lai.
Phú Quốc, Vân Đồn khởi động Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang Huỳnh Văn Lạc vừa ký thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Vũ Hồng tại buổi làm việc về rà soát tổng thể nội dung đề án thành lập Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc (Đặc khu Phú Quốc). UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở Du lịch nghiên cứu, định hướng phát triển và dự báo tăng trưởng du lịch của Phú Quốc trong giai đoạn tới. Đề nghị Công ty TNHH PwC Việt Nam (TP HCM) tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ cho tỉnh trong việc đánh giá sâu hơn định hướng và dự báo phát triển của Đặc khu Phú Quốc cho đến năm 2030 và sau năm 2030. Đồng ý chủ trương cho thành lập tổ biên tập để hiệu chỉnh toàn bộ đề án. Chậm nhất đến giữa tháng 12-2017 phải hoàn thành việc biên tập và có báo cáo. Về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, UBND tỉnh thống nhất không áp dụng ưu đãi miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước tối đa cho cả thời gian thuê đất đối với dự án thuộc ngành "Khách sạn, khu du lịch sinh thái, khu nghĩ dưỡng cao cấp từ 4 sao trở lên" và nghiên cứu thêm, có thể áp dụng tương tự đối với ngành nghề "Dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino với vốn đầu tư tối thiểu 44.000 tỉ đồng"… Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Ninh, đến nay, Vân Đồn đã cơ bản hội tụ đủ điều kiện để phát triển, trở thành Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Đặc khu Vân Đồn). Song song với việc chủ động, tích cực xây dựng đề án, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung Đặc khu Vân Đồn theo định hướng của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Một lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết việc thực hiện đề án có nhiều thách thức. Trong tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng theo chu kỳ và còn nhiều biến động khó lường nên vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Đặc khu Vân Đồn sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Tỉnh đã chọn được nhà đầu tư chiến lược là Sun Group để hợp tác đầu tư từ giai đoạn đầu. Nhà đầu tư chiến lược này đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào những dự án có tính động lực, hạ tầng giao thông quan trọng tại Đặc khu Vân Đồn và tỉnh Quảng Ninh, như sân bay, bến cảng, khu phức hợp với tổng vốn lên tới 30.000 tỉ đồng đến thời điểm này và tiếp tục đầu tư thêm. Tuy nhiên, để trở thành đô thị hiện đại, thông minh với dịch vụ, du lịch cao cấp, công nghiệp công nghệ cao, Vân Đồn cần thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư lớn khác. Theo đề án, Đặc khu Vân Đồn có diện tích 2.171,33 km2, trong đó đất tự nhiên 581,83 km2, vùng biển rộng 1.589,50 km2, dân số khoảng 46.000 người. Theo kế hoạch, đầu năm 2018 sẽ khởi công chuỗi các tổ hợp dịch vụ du lịch quy mô lớn, đẳng cấp cao với tổng vốn đầu tư khoảng 2,7 tỉ USD. Cụ thể, dự án Tổ hợp du lịch SONASEA DRAGON BAY (giai đoạn 1) dự kiến tổng vốn đầu tư trên 4.950 tỉ đồng; dự án Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas quy mô khách sạn đẳng cấp 5 sao với tổng vốn đầu tư trên 1.120 tỉ đồng; dự án Tổ hợp du lịch và con đường di sản tại Vân Đồn gồm 9 phân khu chức năng (phân kỳ 1) với vốn đầu tư dự kiến 5.000 tỉ đồng; dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng có tổng vốn đầu tư khoảng 46.000 tỉ đồng... Công Tuấn-Giang Sơn-Trọng Đức |
Bài và ảnh: KỲ NAM