Vietstock - Thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm?
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã “bốc hơi” 3 ngàn tỷ USD vốn hóa so với thời điểm tháng 1/2018, và hy vọng về những ngày tươi đẹp hơn đang dần tan biến.
Bất kỳ ai mong chờ vào đà phục hồi của thị trường chứng khoán Trung Quốc có lẽ đều phải ôm đầu thất vọng khi chỉ số Shanghai Composite rớt thêm 7.9% trong tháng 10/2018. Và cũng vì thế, chỉ số này chuẩn bị ghi nhận một trong những năm có thành quả tồi tệ nhất từ trước đến nay. Trước đó, Shanghai Composite từng lao dốc 65% tại đỉnh điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và giảm 22% trong năm 2011 và 1994. Hiện Trung Quốc cũng nằm trong số những nơi tồi tệ nhất trên thế giới để đầu tư vào chứng khoán trong năm 2018.
Những lý do thôi thúc nhà đầu tư tháo chạy ra khỏi thị trường Trung Quốc ngày càng chồng chất trong năm 2018, khởi đầu là quá trình siết chặt thanh khoản từ chiến dịch giảm bớt đòn bẩy của Trung Quốc – điều này đã dẫn tới số lượng vụ vỡ nợ trái phiếu tăng lên mức kỷ lục và gây tổn thương tới tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang, đà tăng của lãi suất và đồng USD mạnh đang tác động tiêu cực tới các tài sản ở thị trường mới nổi. Chưa hết, hàng tỷ USD cổ phiếu được sử dụng làm vật thế chấp vay nợ đang gặp nguy cơ bị bán giải chấp (margin call), và từ đó, làm thị trường vốn đã giảm nay càng giảm sâu hơn.
Sau đây, Bloomberg dẫn ra những yếu tố đang đè nặng lên tâm lý thị trường:
Hoạt động ngân hàng ngầm – vốn bao gồm các khoản vay tín thác, vay tín chấp và thương phiếu ngân hàng – đang trở nên tồi tệ hơn. Trong tháng 9/2018, lượng vốn tài trợ ngầm, bao gồm các khoản vay ủy thác, vay tín chấp và thương phiếu ngân hàng, giảm 7 tháng liền xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017. Các công ty tư nhân đã phụ thuộc vào kênh tài trợ này trong vài năm gần đây, khi ngân hàng không muốn cho vay tới các công ty không có sự hậu thuẫn của Chính phủ giữa lúc nền kinh tế đang trên đà giảm tốc. Và giờ thì chiến dịch cắt giảm đòn bẩy đang tác động tiêu cực tới những công ty phụ thuộc vào các kênh tài trợ như thế này.
Một thông tin cũng tác động tới tâm lý nhà đầu tư là hai quỹ có liên kết với Chính phủ Trung Quốc đã bán ra toàn bộ lượng trái phiếu và cổ phiếu đang nắm giữ. Điều này làm dấy lên sự hoài nghi về việc liệu Bắc Kinh có còn hỗ trợ giá cổ phiếu hay không. Còn phía nhà đầu tư đang tự hỏi: Phải chăng nhóm National Team – các quỹ có sự hậu thuẫn của Chính phủ – đang dần rút khỏi thị trường.
Ngoài ra, cũng có mối đe dọa từ các công ty môi giới và ngân hàng – vốn chiếm tới hơn 50% trong số 640 tỷ USD cổ phiếu thế chấp để vay nợ. Thị trường liên tục lao dốc có thể buộc những tổ chức cho vay phải bán giải chấp cổ phiếu, qua đó càng làm thị trường giảm sâu hơn.
Đà tăng của đồng bạc xanh cũng là một yếu tố đáng quan ngại. Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2017 trong tuần này. Điều này châm ngòi cho làn sóng rút vốn ra khỏi thị trường mới nổi và gây áp lực lên đồng Nhân dân tệ. Trong một dấu hiệu mới nhất cho thấy tình trạng rút vốn ngày càng trầm trọng hơn, lượng ngoại hối mà các ngân hàng Trung Quốc bán cho các khách hàng đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2016, dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Trung Quốc cho thấy trong ngày thứ Năm (25/10).
Chưa hết, làn sóng bán tháo trên các thị trường toàn cầu càng làm tâm lý thêm phần tiêu cực hơn và nhà đầu tư cũng chẳng còn nơi nào để ẩn náu. Tại Mỹ, nhóm cổ phiếu công nghệ lao dốc, trong đó Amazon và Alphabet là những công ty mới nhất vừa công bố kết quả tài chính quý 3 đáng thất vọng. Thị trường cổ phiếu toàn cầu đã mất khoảng 7.8 ngàn tỷ USD vốn hóa chỉ tính trong tháng 10/2018 và “bốc hơi” 15 ngàn tỷ USD so với tháng 1/2018.
Tất cả lý do trên đã làm thị trường chứng khoán Trung Quốc biến động mạnh. Trong tháng này, chỉ số Shanghai Composite chuẩn bị ghi nhận mức biến động trung bình hàng ngày mạnh nhất kể từ tháng 1/2016.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)