Vietstock - Cà phê Việt cần làm gì để đạt chuẩn quốc tế?
Vài năm gần đây, các chuỗi cà phê mang thương hiệu ngoại ồ ạt vào Việt Nam và được đón nhận, trong khi cà phê Việt đạt chuẩn quốc tế cho người dùng trong nước lại không nhiều.
Kết thúc buổi sáng cuối tuần bằng ly capuchino tại quán quen mang thương hiệu nước ngoài, nằm trên đường Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM), anh Minh nói: “Tôi thường gặp gỡ bạn bè và đối tác ở quán này, vì các loại nước từ cà phê làm tôi cảm nhận được rõ vị, không giống nhiều hàng quán khác của Việt Nam”.
Thực trạng cà phê Việt
Anh Minh bước chân vào ngành truyền thông cách đây vài năm, kể từ khi phải gặp gỡ nhiều đối tác và có cơ hội chu du nhiều nước, anh mới cảm nhận vị cà phê nước ngoài hơn hẳn trước nay vẫn uống. Nếu cà phê Việt đậm đà, đặc sánh, nhiều hương liệu nhưng rất ít vị cà phê thì tại nhiều nước anh từng qua như Singapore, Hàn Quốc… cà phê lại lỏng và dậy mùi hơn.
Sau vài lần đi công tác và thưởng thức tại nước ngoài, anh Minh chuyển hẳn sang uống cà phê thương hiệu ngoại.
Cà phê ngoại ngày càng được người Việt ưa chuộng trong khi thương hiệu trong nước đạt chuẩn quốc tế lại không nhiều. Ảnh: pxhere.
|
Không chỉ anh Minh, nhiều người Việt đang dần rẽ hướng sang cà phê ngoại. Trong khi bài toán khó của cà phê Việt vẫn nằm đó: Sản lượng xuất khẩu cà phê thô đứng thứ 2 thế giới nhưng vẫn phải nhập lượng lớn thành phẩm từ nước ngoài.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 6 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 1.028 triệu tấn, trị giá 1,98 tỷ USD, tăng 9,6% về lượng so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là ngành cà phê mải tập trung xuất khẩu nguyên liệu mà bỏ quên sân nhà do yếu về chế biến. Chính vì thế, hạt cà phê Việt Nam đi qua nhiều nước, qua chế biến và nhập khẩu trở lại với giá cao gấp 2-3 lần ban đầu.
Và dù nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu cà phê rang xay thành phẩm chuẩn quốc tế từ lâu nhưng tại Việt Nam lại không nhiều, thậm chí hiếm hoi.
Hướng tới UTZ và BRC để đạt chuẩn quốc tế
Trong số tiêu chuẩn cà phê quốc tế, UTZ của châu Âu được xem là hệ thống kiểm nghiệm nghiêm ngặt và trở thành mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp. UTZ là một chương trình phát triển bền vững cho nhóm nông sản gồm cà phê, cacao, chè. Chứng nhận được trao cho nhà sản xuất có phương pháp canh tác tốt và quan tâm đến thiên nhiên, môi trường cũng như thế hệ sau.
Có trong tay chứng nhận UTZ, doanh nghiệp đồng thời chứng minh được sản phẩm đạt đúng quy trình từ khâu trồng, thu hoạch cho đến thành phẩm. Đó là tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc để người trồng cà phê phải đặt uy tín lên từng tách cà phê.
Thu hoạch đại trà khi là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng cà phê Việt.
|
Nếu UTZ tập trung vào quá trình canh tác và quy trình sản xuất thì BRC quy định rõ hơn tiêu chí về an toàn thực phẩm, lưu trữ và bao bì… Khi đạt chứng nhận này, công ty, nhà bán lẻ sẽ được thế giới công nhận.
Tuy nhiên, đa phần nông dân Việt thu hoạch theo kiểu đại trà cả xanh lẫn chín thay vì phải tốn thời gian chia thành nhiều đợt để hái toàn quả chín. Điều này xuất phát từ kiến thức nông nghiệp chưa có, họ không biết chất lượng và sản lượng cà phê đều giảm nếu quả còn xanh.
Phần khác, cơ sở kỹ thuật, máy móc đa phần áp dụng theo kinh nghiệm và thủ công không cho phép người nông dân bỏ nhiều thời gian và chi phí cho việc thu hoạch nhiều lần. Thực tế này dẫn đến thực trạng cà phê Việt khó đạt chuẩn quốc tế.
Phúc Sinh là tập đoàn Việt hiếm hoi cung cấp sản phẩm chuẩn châu Âu cho người tiêu dùng trong nước.
|
“Để cà phê đạt chuẩn UTZ, chúng tôi bắt đầu từ người nông dân. Cà phê phải được thu hoạch khi đã chín đều thì mới đạt đúng độ ngon và chuẩn châu Âu”, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh nói.
Là công ty hiếm hoi cung cấp sản phẩm tiêu chuẩn UTZ và BRC ra thị trường trong nước, Phúc Sinh đã hỗ trợ nông dân kỹ thuật, kiến thức về cà phê tiêu chuẩn quốc tế và bao tiêu đầu ra.
“Người Việt Nam được quyền uống cà phê tiêu chuẩn châu Âu tại nước nhà”, ông Thông bắt đầu hành trình góp phần giúp cà phê Việt đạt chuẩn quốc tế từ nguyên do này.
Đến nay, Phúc Sinh đã giúp 897 hộ với hơn 1.000 ha trồng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ. Tại buôn Hồ - vùng trồng cà phê nổi tiếng cả nước, sản lượng cà phê tiêu chuẩn mới đã đạt hơn 2.700 tấn.
Việc nhiều doanh nghiệp bỏ quên sân nhà xuất phát từ thực tế xuất khẩu thường dễ và thu lại lợi nhuận nhanh hơn. Nhưng trong đời sống hiện đại, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến những vấn đề an toàn thực phẩm, minh chứng là ngay cả những hàng quán lề đường, mô hình rang xay tại chỗ vẫn mọc lên liên tục.
Với khẩu vị và nhu cầu đang dần thay đổi của người Việt, việc sản xuất cà phê chuẩn quốc tế là bước tiến tất yếu và nhanh chóng trở thành xu hướng. Trong đó, những bước chân tiên phong như Tập đoàn Phúc Sinh đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức cà phê chuẩn châu Âu ngay tại đất nước mình của người Việt.
Giang Di Linh