Vietstock - Quy trình đặc thù giúp rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng
Chính phủ cho phép TP.HCM (HM:HCM) áp dụng thí điểm quy trình đặc thù rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng được 3 - 4 tháng, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.
Dự án xây dựng tuyến đường nối Phạm Văn Đồng - Gò Dưa (Q.Thủ Đức, TP.HCM) thuộc dự án vành đai 2 vẫn đang còn vướng mặt bằng. Ảnh: Nguyên Vũ
|
Trước tình trạng hàng loạt dự án chậm tiến độ vì vướng mặt bằng, Chính phủ cho phép TP.HCM áp dụng thí điểm quy trình đặc thù rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng được 3 - 4 tháng, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.
Gỡ nút thắt mặt bằng
Theo đó, đối với các dự án đầu tư có thu hồi đất, khâu giải phóng mặt bằng thường tốn rất nhiều thời gian, khiến tiến độ dự án bị chậm lại, tổng mức đầu tư tăng lên do trượt giá. Tại TP.HCM, có thể kể đến hàng loạt dự án trọng điểm như: mở rộng xa lộ Hà Nội, vành đai 2, cầu Tăng Long, cầu Nam Lý, cầu Bưng... kéo dài từ năm này qua năm khác vì thiếu mặt bằng. Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM cho biết trong số 75 dự án đang quản lý thì có 28 dự án đang chờ mặt bằng, 29 dự án khác đang thi công nhưng vẫn còn vướng mặt bằng (chiếm 76% tổng số dự án).
Còn ở lĩnh vực chống ngập, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), chủ đầu tư nhiều lần khẳng định sẽ đẩy nhanh tiến độ đưa dự án vận hành vào tháng 6.2019. Tuy nhiên, do mặt bằng giao thiếu nên dự án liên tục lùi ngày khai thác, trong khi đường phố khu vực gần dự án ngập lênh láng khi mưa lớn và triều cường.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết hầu hết dự án giao thông đều vướng mặt bằng; có dự án kéo dài đến hơn 10 năm, thậm chí lâu hơn như dự án cầu Long Kiểng (H.Nhà Bè). Khi thực hiện một công trình giao thông có thể phát sinh nhiều vướng mắc, nhưng với các vướng mắc về kỹ thuật thường được giải quyết trong 2 - 3 tháng còn vướng mắc về mặt bằng lại kéo dài nhiều năm liền do liên quan đến đơn giá bồi thường, quỹ nhà tái định cư... Trong khi đó, thời gian thực hiện dự án theo quy định nhóm A là không quá 6 năm, nhóm B là 4 năm, nhóm C là 3 năm. Do đó, ông Bằng cho rằng nếu đẩy nhanh được tiến độ giải phóng mặt bằng sẽ giúp dự án hoàn thành đúng tiến độ, tránh được tình trạng công trình phải tạm dừng thi công vì vướng nhà, đất của người dân.
Để tháo gỡ khâu bồi thường, đầu tháng 3 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị quyết 27 cho phép UBND TP.HCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn. Theo đó, UBND TP ban hành hệ số điều chỉnh giá đất vào đầu kỳ hằng năm để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân; giá đất cụ thể của loại đất thu hồi được tính tại thời điểm nhà nước ban hành quyết định thu hồi đất.
Rút ngắn công tác bồi thường từ 3 - 4 tháng
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, phân tích quy trình bồi thường cũ gồm 2 công đoạn, gồm xác định giá T1 ở thời điểm có dự án đầu tư và sau đó xác định giá T2 rồi mới bồi thường. Trước khi công bố giá T1, TP phải tổ chức thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá chỉ có giá trị trong 6 tháng. Kế tiếp, TP thẩm định lại rồi công bố cho người dân biết và lấy ý kiến người dân để hình thành giá T2.
“Nếu công tác thẩm định, thẩm định lại, công bố giá T1 và lấy ý kiến người dân không kịp trong 6 tháng thì phải làm lại”, ông Hoan nói. Tương tự, quy trình xác định giá T2 cũng phức tạp như giá T1, cả 2 khâu cộng dồn lại khiến khâu giải phóng mặt bằng dự án kéo dài, làm tổng mức đầu tư tăng.
Còn theo quy trình được Chính phủ cho thí điểm, giá T1 được công bố đầu năm và áp dụng cho cả năm, còn giá T2 thì sẽ xác định vào thời điểm dự án triển khai. Ví dụ dự án triển khai vào tháng 7, TP dùng giá T1 xác định từ đầu năm để lấy ý kiến người dân, đồng thời thuê tư vấn thẩm định giá và tính toán lại để xác định giá T2. “Như vậy, trong vòng 1 - 2 tháng sẽ xác định được giá T2, lấy ý kiến người dân lần cuối rồi áp dụng để triển khai dự án liền. Nếu áp dụng quy trình mới, TP có thể rút ngắn công tác bồi thường được 3 - 4 tháng”, ông Hoan thông tin.
Dù vậy, do đến nay TP chưa ban hành được giá đất T1 nên quy trình này chưa thể áp dụng cho năm 2020. Ông Hoan cho biết từ nay đến cuối năm, TP sẽ nghiên cứu, khảo sát giá đất ở các tuyến đường trên toàn TP để ban hành giá T1 của năm 2021, áp dụng cho cả dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và tư nhân. Phó chủ tịch UBND TP khẳng định hệ số điều chỉnh giá đất công bố vào đầu kỳ hằng năm không phải là giá đất để bồi thường, mà giá đất bồi thường sẽ được vào thời điểm nào thì giá phải tính ở thời điểm nhà nước ban hành quyết định thu hồi đất.
Sỹ Đông