Vietstock - Cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ đẩy chi phí sản xuất của Việt Nam tăng cao
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine không chỉ đẩy giá dầu thô mà còn nhiều loại hàng hóa cơ bản khác trên thế giới tăng cao. Cộng với mối lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí sản xuất được dự báo tăng cao sẽ ảnh hưởng khó lường đến nền kinh tế Việt Nam.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, những đánh giá sơ bộ đầu tiên về khả năng tác động đến nền kinh tế Việt Nam đã được nhiều chuyên gia đưa ra, trong đó nhấn mạnh đến khả năng tăng giá hàng hóa và đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối Đầu tư chứng khoán và trái phiếu của VinaCapital, rủi ro dễ thấy nhất từ sự kiện này là rủi ro lạm phát.
Ở phía nguồn cung, các lệnh trừng phạt và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản, qua đó trực tiếp làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao.
Ở phía nguồn cầu, lạm phát còn có thể làm cho tiêu dùng và tiến độ giải ngân đầu tư trong nền kinh tế (bao gồm cả đầu tư công) chậm lại, do mặt bằng giá tăng cao và biến động khó lường.
Đại diện VinaCapital cũng cho rằng các công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp có thể bao gồm các doanh nghiệp lệ thuộc vào giá hàng hóa cơ bản làm nguyên liệu đầu vào nhưng không có khả năng tăng giá bán bù lại chi phí nguyên liệu, vận chuyển tăng cao. Rất nhiều các doanh nghiệp này là những doanh nghiệp thuần túy xuất khẩu.
Mặt khác, các doanh nghiệp lệ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu đầu vào sẽ có rủi ro khan hiếm nguồn cung trực tiếp, ví dụ như than (một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Nga), có thể bị ảnh hưởng lớn về lợi nhuận. Các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng kép, khi chi phí giá dầu tăng cao và các đường bay bị gián đoạn.
Xăng dầu trong nước tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh tăng khi giá dầu thô thế giới tăng mạnh. Ảnh minh họa: TL |
Tương tự, theo khối phân tích Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank (MIB), các tác động gián tiếp đáng kể đến Việt Nam chủ yếu đến từ giá năng lượng, kim loại và ngũ cốc tăng cao, đặt trong giả định là “một cuộc tấn công toàn diện” không xảy ra.
Theo thống kê, Nga nắm giữ 11% lượng dầu xuất khẩu toàn cầu, 8% lượng khí LNG, 18% than nhiệt, 8% thép, 14% nhôm, 5% đồng và 10% ngũ cốc.
MIB cũng cho rằng sự kiện này sẽ không có tác động lớn trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thương mại song phương với Nga năm 2021 chỉ bằng 1% tổng kim ngạch thương mại quốc tế của Việt Nam (tương đương khoảng 5,5 tỉ đô la Mỹ).
Dù vậy, Nga vẫn có những khoản đầu tư lớn vào ngành dầu khi Việt Nam, như Vietsopetro JV (Nga góp 50% vốn) vẫn được coi là công ty thượng nguồn lớn ở Việt Nam. Tuy nhiên, đóng góp của dầu mỏ vào ngân sách nhà nước đã giảm đáng kể xuống chỉ còn 3% vào năm 2019, so với mức 25% vào đầu những năm 2000.
Trong khi đó, theo ông Phạm Vũ Thăng Long, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô của HSC, thương mại hai chiều giữa Việt Nam với Ukraine chỉ chiếm trên dưới 1% tổng kim ngạch của Việt Nam, nên sẽ không có tác động trực tiếp đáng kể nào đến bức tranh thương mại đang tiếp tục khả quan của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam nhập khẩu lượng khá lớn than dầu mỏ từ Nga.
“Điều này dẫn đến ảnh hưởng sự thiếu nguồn cung ngắn hạn, đẩy chi phí lạm phát tăng cao bất thường trong một vài thời điểm. Đây là tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam”, ông Long đánh giá.
Dũng Nguyễn