Theo Khac Hieu
Investing.com - Giá của đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới tính theo vốn hoá đã tăng hơn 7%, có thời điểm đạt 28.000 USD vào chiều 29/8.
Mức tăng vọt này xảy ra sau khi tòa phúc thẩm liên bang ra phán quyết rằng Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) phải xem xét lại việc từ chối nỗ lực chuyển đổi Grayscale Bitcoin Trust (một quỹ đầu tư Bitcoin) của Grayscale Investments ( GBTC) thành một quỹ ETF.
SEC năm ngoái đã từ chối đơn đăng ký quỹ ETF bitcoin giao ngay của Grayscale, cho rằng đề xuất này không đáp ứng các tiêu chuẩn chống lừa đảo và bảo vệ nhà đầu tư.
Cơ quan này cũng viện dẫn lý do tương tự khi từ chối hàng chục đơn đăng ký khác cho các sản phẩm tương tự, bao gồm cả những đơn đăng ký của Fidelity và VanEck.
Cuộc chiến thắng pháp lý có khả năng mở ra cơ hội cho một quỹ ETF bitcoin giao ngay ở Mỹ. Đây là điều mà những người ủng hộ tiền điện tử từ lâu đã mong chờ, cho rằng việc cho phép loại sản phẩm này sẽ giảm thiểu rủi ro cho công chúng đầu tư vào Bitcoin.
Quỹ ETF Bitcoin của Mỹ sẽ cung cấp một cách để tiếp cận BTC mà không cần phải nắm giữ đồng tiền này, điều này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư tổ chức và bán lẻ cũng như các nhà quản lý tài sản tham gia thị trường.
Người phát ngôn của SEC cho biết họ đang “xem xét quyết định của tòa án để xác định các bước tiếp theo”.
Động thái mới nhất cũng đã tạo đà tăng giá cho thị trường tiền điện tử, vốn đang trong tình trạng khá "hẩm hiu" trong những tuần gần đây.
Theo đó, Ethereum (ETH), loại tiền điện tử lớn thứ hai tính theo vốn hóa thị trường, cũng tăng khoảng 5% lên 1.730,50 USD. Trước đó, đồng tiền này đã đạt mức cao nhất trong 2 tuần là 1.735,60 USD.
Ngoài Ethereum, nhiều đồng coin có giá trị thị trường đáng kể như Cardano (ADA), Dogecoin (DOGE) và Solana (SOL) cũng tăng khoảng 5%.
Theo dữ liệu từ CoinGlass, lượng giao dịch tiền điện tử trong 24h qua là khoảng 87 triệu USD, trong đó có 76 triệu USD được giao dịch sau phán quyết của toà án.
Mặc dù quay đầu tăng mạnh trong ngày 29/8, nhưng tính từ đầu tháng tới nay, cả BTC và ETH đều giảm lần lượt 6% và gần 8%, cho thấy tâm lý né tránh rủi ro trên diện rộng một phần do kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn trong bối cảnh lạm phát gia tăng liên tục.