Theo Khac Hieu
Investing.com - Bitcoin (BitfinexUSD) trong 24h gần nhất đã mất đi gần 8% giá trị khi áp lực từ các tin tức vĩ mô đè nặng lên đồng tiền mã hóa số 1 thế giới.
Trong 1 ngày gần nhất, Bitcoin đã giảm từ 43.875 USD về chỉ còn 40.073 trên sàn Binance, bẻ gãy đà phục hồi bắt đầu từ hôm 15/02. Đây cũng là mức giảm 24h lớn nhất của BTC kể từ cú bán tháo “đẫm máu” ngày 21/01.
Nếu xét từ mức đỉnh của tuần này là 44.751 USD lập vào ngày 16/02, BTC cũng đã “bốc hơi” đến tận 10,4% giá trị trong vỏn vẹn 36 giờ đồng hồ.
Không khó để thấy được lý do vì sao đồng tiền mã hóa số 1 thế giới lại biến động như vậy, khi thế giới vừa trải qua 2 tuần căng thẳng cực độ cả về các thông tin địa chính trị lẫn kinh tế.
Đầu tiên chính là nguy cơ xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong tuần này, đã xuất hiện nhiều thông tin rằng quân đội Nga đã sẵn sàng trực chiến tại biên giới của hai nước, chuẩn bị cho hành động xâm lược Ukraine.
Thông thường thì những tin tức về chiến tranh sẽ có lợi cho những loại tài sản phòng hộ rủi ro như là vàng và tiền mã hóa, trong khi chứng khoán thì thường sẽ đỏ lửa nếu xảy ra chiến tranh. Song, trước sự gia tăng căng thẳng chưa từng được thấy kể từ giai đoạn Chiến tranh Lạnh, thị trường tiền mã hóa có vẻ như cũng trả về tín hiệu không muốn xung đột xảy ra.
Mặc dù vậy, quan trọng hơn cả và có tác động trực tiếp hơn đến Bitcoin và ngành crypto đó chính là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng sẽ có động thái quyết liệt hơn nhằm kiểm soát tình trạng lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vào ngày 11/02, Hoa Kỳ đã công bố số liệu lạm phát mới nhất, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 đạt đến 7,5%, tiếp tục giữ nguyên đà tăng so với các tháng trước.
Tin tức này là một đòn giáng nặng nề đến Fed, cơ quan mà vào cuộc họp cuối tháng 1 đã quyết định không tăng lãi suất để đảm bảo nền kinh tế có thêm thời gian để chuẩn bị. Tuy nhiên, trước thông tin lạm phát không ngừng đi lên, các quan chức Fed đã phải tổ chức một cuộc họp kín bất thường vào ngày 14/02 vừa rồi để thảo luận về nước đi tiếp theo. Những hành động ấy cho thấy Fed lúc này đã cảm thấy bị thúc giục để tiến hành những quyết định cấp bách hơn nhằm cải thiện tình hình kinh tế, đặc biệt là khi 2022 sẽ là năm diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed sẽ tổ chức phiên họp định kỳ tiếp theo vào tháng 3, thời điểm mà đã được cam kết là sẽ đưa ra quyết định nâng lãi suất. Do đó, nhiều người lo sợ mức tăng sẽ lớn hơn nhiều so với dự định trước đó của ngân hàng trung ương Mỹ. Phản ứng của thị trường tiền mã hóa và cả các chỉ số chứng khoán lớn của xứ cờ hoa chính là sự phản ánh rõ ràng nhất cho tâm lý của nhà đầu tư lúc này.
Cuối cùng, những tin tức tiêu cực như thợ đào Bitcoin ngày càng tăng số lượng BTC bán ra trước triển vọng giá không khả quan đã lấn át cả những tin tức tích cực như tỷ lệ BTC trên sàn đạt mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua hay hashrate của mạng lưới lập đỉnh kỷ lục mới.
Tương tự như Bitcoin, nhiều đồng altcoin lớn ở thời điểm hiện tại cũng đang bị điều chỉnh, với mức giảm đều từ 5% trở lên so với cách đây 24h.