Vietstock - Nỗi ám ảnh về cuộc khủng hoảng trái phiếu năm 1994 đang ùa về!
Nếu thị trường cần phải lo lắng về điều gì thì đó phải là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này – và thực tế thì cũng phải lo về các cuộc họp còn lại trong năm nay, CNBC cho hay.
Trên thực tế, nhà đầu tư thực sự lo sợ nếu như Fed thực hiện một bước đi sai lầm trong bối cảnh thị trường chứng khoán đã leo dốc 8 năm liên tiếp. Họ sợ rằng nếu Ngân hàng Trung ương này lặp lại sai lầm trong năm 1994. Còn nhớ, khi đó Fed đã thắt chặt chính sách tiền tệ vào thời điểm nền kinh tế dễ bị tổn thương, qua đó châm ngòi cho cuộc khủng hoảng trái phiếu và còn dẫn tới sự phá sản của Orange County ở California.
Không ai biết được lộ trình thắt chặt từ từ này của Fed sẽ dẫn tới điều gì. Tuy nhiên, hiện nó đang xảy ra trong lúc đà hồi phục của nền kinh tế Mỹ rất yếu ớt, lạm phát thì không đạt mục tiêu, và đà tăng của thị trường chứng khoán đã kéo dài quá lâu (8 năm).
Đối với Fed, việc thực hiện bình thường hóa chính sách đúng thời điểm sau nhiều năm lãi suất cực thấp và thanh khoản dồi dào là rất quan trọng.
“Họ đã khiến mình trở nên kém linh hoạt trong việc đối phó với bất kỳ trường hợp tiêu cực nào”, Peter Boockvar, Trưởng bộ phân phân tích thị trường tại The Lindsey Group, cho hay. “Quá dễ để cắt giảm lãi suất và in tiền. Việc này rất tuyệt vời và mọi người đều tận hưởng lãi suất thấp trong khoản thời gian đó. Tuy nhiên, cố gắng để xác định thời điểm chấm dứt kỷ nguyên lãi suất thấp luôn luôn là phần khó khăn nhất”.
Nhà đầu tư lo ngại Fed có thể chọn nhầm thời điểm.
Trong cuộc khảo sát các nhà quản lý quỹ của Bank of America Merrill Lynch gần đây, những chuyên gia đầu tư đã liệt sai lầm của Fed là nỗi lo sợ lớn thứ 2 của họ, và đứng đầu danh sách là nỗi lo về cuộc khủng hoảng của thị trường trái phiếu. Được biết, đây là 2 sự kiện có thể xảy ra cùng lúc với nhau.
Các tập đoàn, Chính phủ và các cá nhân đã tận hưởng lãi suất thấp khi Fed hạ lãi suất chuẩn xuống gần mức 0 vào cuối năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lên đỉnh điểm. Tổng khoản nợ phi tài chính nhảy vọt từ mức 35.1 ngàn tỷ USD (năm 2008) lên mức kỷ lục 47.5 ngàn tỷ USD vào quý 1/2009, tức tăng gần 35%, dữ liệu từ Fed cho thấy.
Cuộc khủng hoảng trogn năm 1994 đã cho thấy rất nhiều mối đe dọa – sự sụp đổ của các quỹ đầu cơ, các vụ bê bối nợ doanh nghiệp và một dấu hiệu cảnh báo về việc nâng lãi suất sai thời điểm. Ông Boockvar tin rằng Fed đã chờ quá lâu để nâng lãi suất trong chu kỳ hiện tại và giờ khi bắt đầu tăng lãi suất thì họ phải đối mặt với các mối nguy hiểm tương tự năm 1994.
Dẫu vậy, quan điểm của Fed đã trở nên “bồ câu” hơn trong thời gian gần đây. Tại cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Janet Yellen cho biết Fed có thể không còn quá nhiều cơ hội để nâng lãi suất cho đến khi đạt đến mức mà chính sách không còn trong tình trạng “nới lỏng” cũng như “hạn chế”. Điều này sẽ trùng với thời điểm lãi suất liên ngân hàng Mỹ thực (đã điều chỉnh lạm phát) ở mức gần 0.
Quincy Krosby, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường cho hay: “Họ cần tránh gây sốc đến các thị trường, khiến thị trường rơi vào tình trạng mất cảnh giác. Họ luôn luôn lo lắng về một tai nạn trên thị trường – một điều thường gây ra các thiệt hại ngoài dự kiến. Có sự khác biệt giữa một tai nạn và một sai lầm. Sai lầm là một thứ gì đó dễ lan truyền hơn”.
Bà nói thêm: “Nếu bạn ngẫm nghĩ lại về năm 1994, khi lãi suất tăng thì luôn có điều gì đó bị phá vỡ”.
Dĩ nhiên, các tính toán của Fed không chỉ bao gồm lãi suất. Họ còn phải dự tính phải làm gì đối với số dư 4.5 ngàn tỷ USD trên bảng cân đối kế toán, chủ yếu là dưới dạng trái phiếu mà họ đã mua vào để kích thích nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng. Trong đó, có 800 tỷ USD đến từ các gói nới lỏng định lượng.
Có một lý do khác tại sao Krosby lại kỳ vọng bà Yellen và công sự trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) lại tỏ ra thận trọng về việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Trước buổi điều trần của bà Yellen, thị trường đã lo lắng Fed đã thay đổi cách thức ra quyết định từ dựa trên dữ liệu kinh tế sang tuân theo một lộ trình đã định sẵn từ trước.
FOMC sẽ nhóm họp 2 ngày trong tuần này, bắt đầu từ ngày thứ Ba (25/07). Không ai nghĩ rằng Fed sẽ nâng lãi suất tại cuộc họp này, nhưng cũng có suy đoán cho rằng cơ quan này có thể báo hiệu thông tin về thời điểm bắt đầu quá trình tháo gỡ số dư trên bảng cân đối kế toán vào tháng 9/2017.
Krishna Guha, Chuyên gia kinh tế tại Evercore ISI, cho biết FOMC sẽ tránh đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào về lãi suất trong vài cuộc họp tiếp theo, đặc biệt là khi lạm phát ở mức thấp.