Vietstock - "Bùng nhùng" BOT giao thông, Bộ quản lý nói gì?
Ngày 24/7 đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Chính phủ, các bộ ngành về việc thực hiện chính sách sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Đây là vấn đề được cử tri và đại biểu Quốc hội rất quan tâm thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra rất nhiều sai phạm ở nhiều dự án BOT giao thông. Như, khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km, dân không đi trên đường được đầu tư bằng hình thức BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư. Rồi 26 dự án phải giảm hàng trăm năm thu phí...
Tại buổi làm việc, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo về nội dung giám sát giai đoạn 2011 - 2016 do Bộ này quản lý.
Theo báo cáo, trong giai đoạn này, Bộ đã huy động được khoảng 171.251 tỷ đồng để đầu tư 58 dự án theo hình thức BOT, trong đó lĩnh vực đường bộ 57 dự án với tổng mức đầu tư 169.948 tỷ. Đến 31/12/2016 đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 50 dự án BOT với tổng mức đầu tư 130.944 tỷ đồng (toàn bộ là lĩnh vực đường bộ).
Bộ đang triển khai đầu tư 25 dự án BOT với tổng mức đầu tư 78.403 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực đường bộ 23 dự án với tổng mức đầu tư 77.043 tỷ. Cơ bản các dự án triển khai đúng và vượt tiến độ, trình tự, thủ tục đầu tư tuân thủ quy định hiện hành - lãnh đạo Bộ đánh giá.
Về hiệu quả tổng thể của các dự án giao thông BOT - vấn đề gây tranh cãi nhiều chiều thời gian qua - báo cáo khẳng định: kết quả tính toán của các tư vấn nói chung cho thấy, lợi ích kinh tế - xã hội do dự án mang lại là rất lớn, khi các dự án đưa vào khai thác sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành khai thác (giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện, tiết kiệm thời gian vận chuyển hàng hoá, thời gian đi lại của hành khách...) so với khi công trình chưa được nâng cấp.
Đối với người sử dụng sẽ rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện, đi lại trên tuyến đường an toàn hơn.
Đánh giá chung, Bộ Giao thông cho rằng đầu tư BOT là một hình thức đầu tư mới, phức tạp, nhiều tình huống phát sinh trong thực tiễn không thể lường trước được, trong khi các chủ thể kể cả phía cơ quan quản lý và nhà đầu tư, nhà tài trợ... đều chưa có nhiều kinh nghiệm, nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có thể nói còn chưa được hoàn thiện. Việc ban hành mới cũng như sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các luật đòi hỏi mất thời gian.
Công tác tuyên truyền còn chưa hiệu quả, dẫn đến có nhiều quan điểm, các nhìn nhận khác nhau - báo cáo nêu rõ.
Lãnh đạo Bộ cũng khẳng định, về cơ bản, các dự án hạ tầng giao thông được quyết định đầu tư theo hình thức BOT tuân thủ các quy định hiện hành trong quá trình chuẩn bị đầu tư, bao gồm cả chủ trương đầu tư.
Liên quan đến các trạm thu phí - vấn đề gây rất nhiều bức xúc trong dư luận - báo cáo cho biết hiện nay có 88 trạm trên các tuyến quốc lộ, 10 trạm có khoảng cách 60-70 km do địa hình vị trái đặt trạm đảm bảo 70km không thuận lợi. Có 20 trạm có khoảng cách nhỏ hơn 60km và 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án BOT.
Về tổng mức đầu tư, báo cáo nêu, qua báo cáo công tác rà soát, đánh gía của Bộ Giao thông vận tải, cùng kết quả thanh tra và kết luận của Kiểm toán Nhà nước trong việc xác định chi phí xây dựng công trình hạ tầng giao thông BOT trong thời gian qua còn một số nhầm lẫn, sai sót trong việc áp dụng định mức và xác định đơn giá.
Một số nguyên nhân cơ bản là hệ thống định mức dự toán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố còn chưa đáp ứng kịp, chủ đầu tư các dự án BOT, các tổ chức, cá nhân tư vấn quản lý chi phí, thẩm tra giá xây dựng chưa làm tròn trách nhiệm trong việc áp dụng định mức và xác định đơn giá.
Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cũng là vấn đề dư luận đặt nhiều dấu hỏi khi quá nhiều dự án chỉ định thầu hoặc chỉ có một nhà đầu tư tham gia đấu thầu. Nhìn nhận đây là hạn chế, song lãnh đạo Bộ khẳng định thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư đều minh bạch theo quy định.
Vai trò, trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông Vận tải trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện dự án cũng được báo cáo đề cập.
Theo đó, Bộ đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Tuy nhiên đây là hình thức đầu tư khá mới mẻ ở Việt Nam và quá trình giao dịch một hợp đồng PPP (hình thức đối tác công - tư) là rất phức tạp, chất lượng nguồn nhân lực của các chủ thể tham gia còn hạn chế, lúng túng.
Do vậy, không tránh khỏi có những bộ phận, chủ thể chưa thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong quá trình triển khai dự án. Đặc biệt là một bộ phận cán bộ ở các ban quản lý dự án được Bộ giao nhiệm vụ còn chưa sâu sát, chưa quyết liệt trong việc theo dõi, giám sát nhà đầu tư thực hiện các dự án BOT.
Nhiều hạn chế cũng được Bộ điểm danh như một số dự án thủ tục đầu tư chưa chặt chẽ. Hay, chỉ kêu gọi được nhà đầu tư trong nước với nguồn lực hạn chế mà chưa kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài và nguồn vốn tín dụng nước ngoài...
Phần nguyên nhân của những hạn chế thì nguyên nhân khách quan được nêu nhiều hơn chủ quan. Trong nguyên nhân chủ quan có các bộ, ngành Trung ương và địa phương chưa thực sự phối hợp tốt trong việc giải quyết bức xúc của dư luận. Một số cơ quan báo chí phản ánh chưa toàn diện dẫn đến còn có nhiều cách hiểu khác nhau, gây những phản ánh trái chiều, tiêu cực của người dân.