Tổng kim ngạch xuất khẩu hai loại gạo này lên đến gần 53 triệu USD, tăng 46,3% so với năm 2021. Trong đó, gạo ST24 đạt hơn 44 triệu USD, tăng 42,2%; gạo ST25 đạt 8,7 triệu USD, tăng 70,9%. Kể từ khi đạt giải gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019, gạo đặc sản ST25 và ST24 của Việt Nam đã được thế giới biết đến rộng rãi hơn. Nhờ đó, diện tích sản xuất và xuất khẩu cũng không ngừng gia tăng.
Năm 2022, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu 61.027 tấn gạo ST24 và hơn 8.660 tấn gạo ST25 ra thị trường thế giới, tăng lần lượt là 37,4% và 66,5% so với năm 2021.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hai loại gạo này lên đến gần 53 triệu USD, tăng 46,3% so với năm 2021. Trong đó, gạo ST24 đạt hơn 44 triệu USD, tăng 42,2%; gạo ST25 đạt 8,7 triệu USD, tăng 70,9%.
Như vậy chỉ trong vòng 3 năm (từ 2020 - 2022) xuất khẩu gạo ST24, ST25 đã tăng gấp 4 lần và là chủng loại ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của ngành gạo.
Mặc dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ 1,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nhưng gạo ST24, ST25 được xem là lời giải cho bài toán tiếp cận thị trường cao cấp với giá trị gia tăng cao của các doanh nghiệp.
Năm ngoái, trong khi giá nhiều loại gạo ghi nhận sự sụt giảm thì gạo ST25 vẫn tăng 3% (26 USD/tấn) lên mức bình quân 1.000 USD/tấn và cao gấp đôi giá gạo thông thường. Giá xuất khẩu gạo ST24 cũng tăng 24 USD/tấn so với năm 2021, đạt bình quân 724 USD/tấn.
Đối với gạo ST25, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2022 với hơn 4.600 tấn, trị giá 4,9 triệu USD, tăng 9,7% về lượng và tăng 21,2% về giá trị so với năm 2021.
Thị trường Mỹ chiếm đến 57% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo ST25 của Việt Nam, nhưng giảm đáng kể so với tỷ trọng 80% của năm 2021. Nguyên nhân là bởi các doanh nghiệp đã tích cực mở rộng xuất khẩu gạo ST25 sang nhiều thị trường khác.
Năm 2022, gạo ST25 còn được xuất khẩu nhiều sang Đức (1,3 triệu USD), Trung Quốc (818,6 triệu USD)…
Ngoài ra, “gạo ngon nhất thế giới năm 2019” cũng đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Anh, Australia và được đưa vào thực đơn trong văn phòng Nội các của Nhật Bản trong năm vừa qua. Tuy khối lượng xuất khẩu sang các thị trường còn khá khiêm tốn nhưng bước đầu đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.
Với thị trường Nhật Bản, việc gạo ST25 được đưa vào thực đơn của Văn phòng Nội các Nhật Bản đã đánh dấu những bước tiến mới của ST25 nói riêng và gạo Việt Nam nói chung tại thị trường khó tính này.
Bởi để đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe cùng với yêu cầu rất cao của người tiêu dùng Nhật Bản.
Trong khi đó, Trung Quốc là khách hàng nhập khẩu gạo ST24 lớn nhất của Việt Nam trong năm 2022, chiếm đến 89% khối lượng xuất khẩu với 54.528 tấn, trị giá 39,2 triệu USD, so với năm 2021 tăng 39,7% về lượng và tăng 44,8% về trị giá. Trong khoảng hai năm trở lại đây gạo ST24 của Việt Nam được khách hàng Trung Quốc ưa chuộng và nhập khẩu nhiều.
Ngoài Trung Quốc, những thị trường nhập khẩu gạo ST24 khác của Việt Nam còn có Malaysia đạt 2,8 triệu USD, tăng 9,9%, Hong Kong đạt 1,4 triệu USD, tăng 153%...
Năm 2022 vừa qua được xem là một năm thành công của ngành gạo Việt Nam khi vừa đảm bảo an ninh lương thực trong nước, vừa đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu của cả nước trong năm 2022 vừa qua đạt cao nhất 10 năm với 7,1 triệu tấn, mang về hơn 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về trị giá so với năm 2021.
Một số dự báo cho rằng xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục bứt phá trong năm 2023 nhờ nhu cầu thế giới tăng cao trong khi sản lượng giảm do thời tiết bất lợi tại các nước sản xuất và tiêu dùng lớn như Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, EU, Mỹ…