Vietstock - Nhiều doanh nghiệp FDI doanh thu tăng, lỗ... tăng theo
Hơn 55% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) đều có báo cáo lỗ lớn và lỗ liên tục trong nhiều năm. Lưu ý này vừa được Bộ tài chính nêu trong Báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp FDI.
Xuất khẩu doanh nghiệp khối FDI tăng đều qua mỗi năm. ảnh: phạm hùng
|
Theo Bộ Tài chính, năm 2019, khu vực FDI có 12.400 doanh nghiệp (DN) báo lỗ với tổng trị giá lỗ lên đến hơn 131.300 tỉ đồng. Trong khi đó, số DN báo lãi chỉ có gần 9.500 DN với số lãi là hơn 518.500 tỉ đồng, chiếm 45% tổng số DN FDI của cả nước.
Doanh nghiệp Trung Quốc, Hồng Kông lỗ nhiều nhất
Theo Bộ Tài chính, rà soát số liệu từ báo cáo của các DN FDI cho thấy, DN sản xuất trong ngành luyện thép và kim loại có số báo cáo lỗ năm sau cao hơn năm trước nhiều nhất, hoạt động kém hiệu quả và “đóng góp vào ngân sách rất hạn chế” trong năm 2019. Cụ thể, cả hai DN FDI lớn trong ngành thép là Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) của Đài Loan và Công ty CP thép Posco Yamoto Vina (Nhật Bản) đều có tình hình tài chính không lành mạnh trong 2 năm 2018 và 2019. Trong đó, doanh thu từ hoạt động tài chính của Formosa Hà Tĩnh đạt khoảng 72.000 tỉ đồng trong năm 2019, nhưng số lỗ trong năm hơn 11.500 tỉ đồng, cao gấp 4,2 lần so với năm 2018. Lỗ lũy kế đến hết năm 2019 của Formosa Hà Tĩnh gần 25.400 tỉ đồng trong khi vốn chủ sở hữu khoảng hơn 100.800 tỉ đồng. Còn Posco Yamoto Vina năm 2019 cũng báo lỗ gần 2.800 tỉ đồng, cao gần gấp 3 lần so với năm 2018 lỗ 1.000 tỉ đồng. Đáng lưu ý, cả 2 DN này đều có báo cáo doanh thu tăng nhưng nộp ngân sách nhà nước năm 2019 giảm từ 101 tỉ đồng xuống 92,6 tỉ đồng.
Ngoài thép, các ngành dầu khí, xăng, nhiên liệu, sản phẩm hóa dầu, viễn thông... cũng nằm nhóm DN FDI báo lỗ liên tục. Đáng nói, DN từ Hồng Kông và Trung Quốc lại có khả năng sinh lời thấp dù nằm trong tốp 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn vào VN. Ngược lại, các DN đến từ châu Âu có khả năng sinh lời cao nhất; nhóm DN đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, British Virgin Island có mức sinh lời hợp lý.
Cũng nằm trong nhóm ông lớn FDI, báo cáo năm 2019 của các công ty thuộc Samsung Việt Nam cho thấy, lợi nhuận trước thuế của Công ty TNHH Samsung Electronics VN (SEV Bắc Ninh) và Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên (SEV Thái Nguyên) lên tới 85.918 tỉ đồng, tương đương gần 4 tỷ USD. Thuế thu nhập DN của SEV Bắc Ninh đóng khoảng 6,25%, còn SEV Thái Nguyên là 5,1%. Có thể hiểu nôm na nếu lãi 100 đồng, tập đoàn này đóng thuế khoảng 5 - 6 đồng. Trong khi đó, mức thuế thu nhập DN thông thường là lãi 100 đồng, đóng 20 đồng.
Quyết liệt hơn với chuyển giá
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính của Học viện Tài chính, phân tích thực tế là trong vài năm qua, thị trường thép toàn cầu cạnh tranh khá vất vả, có thể DN nằm trong dòng xoáy đó. Ngoài ra, việc DN khai báo lỗ cũng có thể do thời gian đầu chưa khác thác hết công suất, lại gặp lúc thị trường khó khăn dẫn đến lỗ lã... Điều này hoàn toàn nằm trong tính toán của nhà đầu tư, không phải là bất ngờ. Tuy nhiên, vị này nhấn mạnh, khả năng dòng vốn sinh lời của FDI tại VN cần “soi” lại. Tại sao các nhà đầu tư đến từ EU lại báo sinh lời tốt, từ Trung Quốc, Hồng Kông lại kém đến vậy trong khi đây là nhóm khai báo vốn đầu tư vào VN cao.
“Đây là cơ sở để chúng ta phải đẩy mạnh việc rà soát giá đầu vào của DN. Liệu có tình trạng khai vống lên quá giá trị thực tế của tài sản đầu tư vào ban đầu để rồi lỗ triền miên không? Trong thực tế, quá trình kiểm toán cho thấy, có một DN đến từ Hồng Kông trị giá máy móc đầu tư chỉ 400.000 USD nhưng khai vống lên 4 triệu USD”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Nghi ngại của chuyên gia hoàn toàn có cơ sở khi báo cáo cho thấy, doanh thu của DN FDI năm 2019 tăng hơn 11%, đạt 7,1 triệu tỉ đồng. Các lĩnh vực DN đang báo cáo lỗ đều nằm trong nhóm lĩnh vực kinh doanh chiếm 70% tổng doanh thu của khu vực FDI như: linh kiện điện tử, thiết bị máy tính, hóa chất, nhựa, thiết bị quang học... Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của DN FDI tăng hơn 8% (tương đương 30.000 tỉ đồng) so với 2018. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng, doanh thu, tài sản, vốn của chủ sở hữu DN năm 2019 vẫn duy trì mức cao cho thấy DN FDI năm 2019 hoạt động ổn định. Xuất khẩu của DN FDI vẫn tăng đều qua mỗi năm. Năm 2015 xuất khẩu khối DN FDI đạt 93,9 tỷ USD thì đến 2019 đã lên 179,2 tỷ USD.
Cảnh báo DN FDI “lỗ giả, lãi thật” đã từng được nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo trước đây. Một nghiên cứu của ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội mới đây cho thấy, hành vi khai báo lỗ giả, lãi thật nằm trong nguy cơ chuyển giá. Một số dấu hiệu cho thấy, nếu DN FDI có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn mức trung bình của ngành, có lãi trong thời gian được miễn thuế, nhưng sau đó lại báo lỗ khi hết thời hạn miễn thuế, chi cho các dịch vụ nội bộ trong cùng hệ thống chiếm tỷ trọng lớn và kéo dài qua nhiều năm, chi mua máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu... từ bên liên kết với tỷ trọng lớn trong tổng mua sắm... đều là những “mầm mống” chuyển giá. Báo cáo lỗ nhằm trốn thuế và hành vi gian lận thuế trong DN FDI là chiếm đa số và ngày càng tinh vi, phức tạp. Thế nên, cần sớm nghiên cứu và áp dụng các biện pháp chống trốn và tránh thuế đang áp dụng tại các nước tiên tiến, hạn chế chuyển lợi nhuận quốc gia có thuế suất cao sang quốc gia có thuế suất thấp.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh bình luận: “Năm nay, do vướng dịch Covid-19, nên các hoạt động của DN có thể giảm, nhưng không vì thế mà chúng ta du di và dễ dãi bỏ qua các báo cáo “lỗ triền miên” đáng ngờ như vậy. Nên nhớ, điều tra chống chuyển giá không khó, làm là được. Vấn đề là chúng ta có quyết tâm để làm không”.
Nguyên Nga