Vietstock - Đồ gỗ Việt trụ vững ở nước ngoài
017 là năm đầu tiên xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng 2 con số nhờ doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và thiết kế.
Theo thống kê của cơ quan hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng đầu năm 2017 đạt 5,55 tỉ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản phẩm gỗ đạt 4,12 tỉ USD, tăng 13,7%. Còn theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, những tháng cuối năm các doanh nghiệp (DN) gỗ xuất khẩu mạnh hơn, do đó cả năm kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ đạt khoảng 8 tỉ USD, tăng 14% so với cùng kỳ.
Tạo ra giá trị gia tăng
Nhiều năm qua, tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ chỉ quanh quẩn ở một con số. Năm 2016, giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản ngoài gỗ và sản phẩm gỗ là 7,3 tỉ USD. Riêng sản phẩm gỗ đạt 5,12 tỉ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, đánh giá tăng trưởng xuất khẩu đồ gỗ năm nay tăng lên hai con số là nhờ áp lực cạnh tranh buộc DN phải đầu tư mạnh vào công nghệ và thiết kế. Nhiều DN đã mạnh dạn mở rộng nhà máy, đầu tư thêm dây chuyền sản xuất với công nghệ tiên tiến. Nhiều DN tăng vốn đầu tư gấp hai, gấp ba so với trước. Nhờ đó, DN ký kết được hợp đồng gia công, xuất khẩu đồ gỗ sang nhiều thị trường trên thế giới.
Ngoài tăng trưởng tốt ở nước ngoài, đồ gỗ Việt còn chiếm lĩnh thị trường trong nước.
|
Theo ông Hạnh, không như trước đây chỉ làm theo mẫu có sẵn, gần đây nhiều DN chú trọng thiết lập bộ phận thiết kế, tạo ra sản phẩm mới để chào bán ra nước ngoài. Hầu hết DN đầu tư theo hướng này đều thành công. Hiện chi phí mua công nghệ mới không quá cao nên DN nhỏ cũng đầu tư dây chuyền sản xuất mới. Với công nghệ cũ, mỗi công nhân chỉ tạo năng suất lao động trị giá khoảng 20.000 USD/năm, nay đầu tư công nghệ mới, con số này tăng lên 35.000 USD/năm. Không chỉ tăng năng suất lao động, công nghệ mới còn giúp tạo ra sản phẩm có chất lượng ổn định, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long (tỉnh Bình Dương), thừa nhận trong xu thế chung của ngành, DN đã đầu tư công nghệ mới cũng như lập bộ phận thiết kế mẫu. Những sản phẩm do công ty thiết kế có giá cao hơn 10%-20% so với mẫu có sẵn của khách hàng. Nhờ vậy, công ty luôn có hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các resort ở Mỹ, Nhật trị giá từ 3-4 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng - Kiến trúc AA, DN này trúng thầu nhiều công trình vừa thiết kế vừa cung cấp sản phẩm trang trí nội ngoại thất ở nhiều nước với giá trị lớn.
Do xuất khẩu phát triển nên năm nay, lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu cũng tăng đột biến so với năm trước. 9 tháng đầu năm 2017, các DN đã nhập 1,62 tỉ USD gỗ nguyên liệu, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Hạnh, các DN sử dụng gỗ cao su từ đầu năm nay đã phải "kêu trời" vì khan hiếm nguồn cung, giá tăng đến 40% so với năm trước. Giá gỗ cao su tăng cao do nguồn này bị "hút" mạnh sang Trung Quốc. Để ổn định giá gỗ nguyên liệu cao su trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Bộ Tài chính điều chỉnh thuế xuất khẩu gỗ thô từ 5%-10% lên 25% và có thể được áp dụng vào cuối tháng này.
Hướng vào phân khúc cao cấp
Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, thông thường mỗi năm thị trường nội địa tiêu thụ đồ gỗ tăng 5%-6%. Năm 2017, mức tiêu thụ đồ gỗ nội địa dự báo tăng lên 2 tỉ USD. Không như trước đây, thị trường đồ gỗ nội địa hiện phần lớn do DN trong nước chiếm lĩnh. Mỗi năm, cả nước chỉ nhập khẩu khoảng 68 triệu USD sản phẩm gỗ, trong đó Trung Quốc chiếm số lượng lớn.
Đồ gỗ trong nước chiếm lĩnh thị trường là do phần lớn nguồn hàng ngoại nhập không đa dạng sản phẩm, giá lại cao. Bên cạnh đó, một lợi thế khác của DN trong nước là khách hàng có thể đặt hàng theo ý muốn, thậm chí có thể thay đổi trong quá trình thi công. Điều này, nguồn hàng ngoại nhập không thể đáp ứng được.
Nhiều DN sản xuất đồ gỗ trong nước cho biết thị trường nội địa đang thu hút hàng vào các công trình xây dựng cao cấp. Đây là thị trường quan trọng đối với các DN do doanh số cao.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific, nhìn nhận gần đây, DN trong nước đã có nhiều hợp đồng cung cấp sản phẩm đồ gỗ cho các khách sạn, nhà hàng, căn hộ cao cấp. Trước đây, phân khúc này hầu như chỉ sử dụng đồ gỗ nhập khẩu, phần lớn từ Singapore. Hiện nhiều công trình cao cấp ở Việt Nam sử dụng đến 80% sản phẩm đồ gỗ trang trí nội thất do DN trong nước sản xuất. Phân khúc này chiếm đến 40% tổng lượng đồ gỗ vào các công trình xây dựng.
Doanh nghiệp FDI giảm vai trò Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, nhiều khách hàng nước ngoài đã tiếp xúc với DN trong nước để hợp tác xuất khẩu đồ gỗ. Khách hàng nước ngoài chuyển đơn hàng mua đồ gỗ sang Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Trước đây, trong xuất khẩu, DN gỗ có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm từ hơn 60% đã giảm còn 47% trong năm rồi. Các đối tác từ Mỹ, Canada, Phần Lan đang ráo riết tiếp xúc với DN gỗ trong nước để tìm cơ hội đầu tư nhằm khai thác lợi thế về vùng nguyên liệu, tay nghề cao… |
Nguyễn Hải