Vietstock - Nga và Ả-rập Xê-út bàn tính chuyện gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng
Giá dầu tăng mạnh trong ngày thứ Ba sau khi có thông tin cho rằng Nga và Ả-rập Xê-út đang cân nhắc việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng một khi thỏa thuận này hết hạn vào tháng 3/2018, CNBC cho hay.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak
|
Alexander Novak, Bộ trưởng Năng lượng Nga, là một trong những người góp phần xây dựng thỏa thuận cắt giảm sản lượng – vốn được kéo dài thêm 9 tháng trong tháng 5/2017. Theo nguồn tin của cơ quan thông tấn Nga là Tass, ông Novak cho biết rằng các đại diện từ 2 quốc gia đã bàn luận về việc gia hạn thỏa thuận nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định cụ thể nào.
Những nhận định trên được đưa ra sau khi Bijan Zanganeh, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, cho biết vào tối ngày thứ 2 rằng mức độ tuân thủ theo thỏa thuận của các thành viên đã gia tăng.
Reuters dẫn lại câu nói của ông Zanganeh rằng: “Tôi nghĩ thị trường dầu đã cân bằng trở lại. Mức độ tuân thủ với thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không hề giảm sút trong 6 tháng vừa qua. Ngược lại, chúng đang tăng lên”.
Ngoài ra, Bộ trường Dầu mỏ Iran còn cho biết rằng các cuộc bàn luận không chính thức giữa các thành viên đang diễn ra.
Tính cho tới nay, các thành viên của OPEC đã cắt giảm khoảng 1.2 triệu thùng/ngày, còn các nhà sản xuất ngoài OPEC thì giảm bớt 600,000 thùng/ngày. Tuy nhiên, theo những người giám sát ở Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức độ tuân thủ thỏa thuận đang suy giảm. Thậm chí, họ còn cho rằng mức độ tuân thủ của OPEC trong tháng 6/2017 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, khi một số quốc gia quyết định sản xuất nhiều hơn những gì đã cam kết trong thỏa thuận.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10 trên sàn Nymex vọt 1.37 USD (tương đương 2.9%) lên 48.66 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 11/08/2017, dữ liệu từ FactSet cho thấy. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 11 trên sàn Luân Đôn cộng 1.04 USD (tương đương 2%) lên 53.38 USD/thùng, qua đó đánh dấu phiên đầu tiên vượt ngưỡng 53 USD kể từ tháng 5/2017. Kể từ khi các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC tiến tới thỏa thuận cắt giảm sản lượng, giá dầu Brent tăng 6%, còn giá dầu WTI vọt 13%.
Bên cạnh những tác động của thỏa thuận trên, sản lượng ngày càng gia tăng từ các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ và sự hồi phục của nhu cầu dầu trên toàn cầu cũng là những yếu tố có thể chi phối thị trường dầu trong giai đoạn này.
Trong tuần vừa qua, giá dầu đã được hỗ trợ khi nguồn cung bị tác động nặng nề bởi cơn bão Harvey cũng như tình trạng căng thẳng địa chính trị ngày càng leo thang. Đề cập đến tình trạng căng thẳng với Triều Tiên, ông Michele Della Vigna, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Cổ phiếu châu Âu tại Goldman Sachs, cho biết nếu như tình hình với Triều Tiên tiếp tục trở nên tồi tệ hơn thì điều này sẽ góp phần hỗ trợ thị trường dầu.
“Thông thường, mọi dấu hiệu về tình trạng chia rẽ chính trị hay căng thẳng chính trị có lẽ sẽ thực sự tác động tích cực đến giá dầu Brent – vì chúng ta hiện đang sống trong một giai đoạn khả năng sản xuất dư thừa vẫn còn nhiều, do đó phần bù chính trị có khả năng sẽ giảm nhiều hơn. Tôi nghĩ dấu hiệu về sự bất ổn toàn cầu nói chung sẽ là yếu tố hỗ trợ giá dầu”, ông Della Vigna cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày thứ Hai.
Trong ngày thứ Ba, giá dầu còn tăng mạnh nhờ vào thông tin một số nhà máy lọc dầu đã bắt đầu hoạt động trở lại.