Vietstock - Nhiều dự án trọng điểm 'đói' vốn: Làm gì để BOT kết trái ngọt?
Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, thu hút vốn tư nhân tham gia phát triển hạ tầng giao thông là chủ trương đúng đắn và hiệu quả nhất.
Khu đô thị phía nam Sài Gòn là dự án đầu tư theo hình thức PPP đạt hiệu quả
Ảnh: Độc Lập
|
Vấn đề là làm thế nào để hạn chế tối đa các sai phạm, để các dự án hợp tác công - tư như BOT, BT "kết trái ngọt".
Chọn nhà đầu tư có năng lực
Bản chất của BOT là huy động vốn từ xã hội. Nếu tất cả đều vay ngân hàng thì không còn là BOT Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh |
Khi nói về những sai phạm, thiếu minh bạch của các dự án BOT, BT... hầu hết ý kiến đều cho rằng mấu chốt là do chỉ định thầu. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: Hàng loạt dự án giao thông BOT, BT sai phạm, không minh bạch thời gian qua mấu chốt không nằm ở việc đấu thầu hay chỉ định thầu. Bởi nếu thực hiện đấu thầu mà có lợi ích nhóm, quản lý không tốt vẫn sẽ có hiện tượng thông thầu, chỉ định thầu trá hình. Vì vậy, quan trọng nhất là phải siết chặt ngay từ việc lựa chọn nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư năng lực tài chính kém, 80 - 90% vốn đầu tư đi vay ngân hàng là điều không thể chấp nhận được. Bởi bản chất của BOT là huy động vốn từ xã hội. Nếu tất cả đều vay ngân hàng thì không còn là BOT. Hơn nữa, từ trước đến nay không có ai chịu trách nhiệm về việc thẩm định nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư không đủ năng lực xây dựng dự án cũng không có ai chịu trách nhiệm, không ai bị xử lý.
Chuyên gia này cho rằng muốn giải quyết được những bất cập trong hoạt động triển khai BOT, trong giai đoạn đầu nhà nước không tham gia mà để các bên tuân thủ luật chơi của thị trường với sự cạnh tranh công khai lành mạnh. Từ đó mới chọn được nhà đầu tư đảm bảo năng lực thực hiện. Sau khi dự án đi vào vận hành cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước. Việc giám sát này nhằm đảm bảo chất lượng, dịch vụ cũng như bảo vệ quyền lợi của người dân như hủy bỏ trạm thu phí ngay khi dự án có đủ lãi theo hợp đồng.
TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cũng khẳng định, hợp tác công - tư (PPP) là một trong những sáng kiến về mặt tài chính để tài trợ cho các công trình công. Tuy nhiên, cần có một cơ quan trung gian độc lập đứng ra kiểm soát, giám sát đảm bảo môi trường đầu tư công khai, minh bạch. Nhưng trước hết, để có thể thu hút các nhà đầu tư, cần có khung pháp lý hoàn chỉnh, rõ ràng bằng cách nhanh chóng ban hành luật PPP.
Theo ông Nghĩa, luật PPP cần tuân thủ theo đúng thông lệ quốc tế, đảm bảo 4 vấn đề: Thứ nhất, có một công ty, đơn vị đứng ra bảo lãnh cho những rủi ro từ phía Chính phủ. Đơn cử như việc giải phóng mặt bằng chậm trễ, kéo dài năm này qua năm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chi phí của dự án, giảm thu hút đối với các nhà đầu tư. Tiếp theo, phải có bảo lãnh về tỷ giá hối đoái để tránh việc tăng tỷ giá khiến nhà đầu tư bị lỗ. Bên cạnh đó, cần cơ quan bảo lãnh về doanh thu của dự án, đặc biệt đối với các dự án BOT xây cầu, làm đường, phòng trường hợp mật độ phương tiện lưu thông giảm, không đạt được theo kế hoạch gây thất thu đối với doanh nghiệp. Cuối cùng, bỏ các quy định trần lãi suất đầu vào, khống chế lợi nhuận và đi theo nguyên tắc thị trường để doanh nghiệp lời ăn lỗ chịu.
BOT tạo ra công bằng, ai đi thì trả tiền
Sai phạm trong nhiều dự án PPP nói chung và BOT nói riêng trong thời gian qua khiến người dân tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của các hoạt động này. Nhưng không thể phủ nhận, có nhiều dự án BT, BOT thật sự hiệu quả, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử như dự án cầu Phú Mỹ, cầu Sài Gòn 2, đại lộ Phạm Văn Đồng… đã phần nào giải quyết được những bức xúc của người dân TP.HCM về giao thông, ngập nước và cải thiện môi trường sống. Hay cầu Bạch Đằng kết nối 3 thành phố kinh tế trọng điểm phía bắc là Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long (Quảng Ninh), giúp hoàn thiện cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và rút ngắn quãng đường này từ 75 km xuống còn 25 km...
Dẫn chứng dự án xây dựng khu đô thị phía nam Sài Gòn là một trong những dự án đầu tư theo hình thức PPP hiệu quả nhất VN khi chưa có bất cứ luật, nghị định nào về vấn đề này, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công - Trường đại học Fulbright, khẳng định: Luật chỉ là vấn đề kỹ thuật, chưa đủ để có thể giải quyết tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực hiện các dự án công - tư. Rõ ràng hiện nay có nhiều quy định hơn nhưng nhiều dự án lại gặp trục trặc. “Nói như thế để thấy luật không phải là chìa khóa. Vấn đề là cách làm, cơ chế. Không chỉ riêng BOT, tất cả lùm xùm tham nhũng, tiêu cực ở VN về bản chất là do vấn đề khuyến khích ngược của hệ thống. Người làm tốt thì chịu thiệt, thậm chí bị phạt, trong khi làm nhũng nhiễu, mánh khóe lại được lợi. Vì thế vấn đề cần sửa là động cơ, cách thức làm việc của cán bộ nhà nước”, ông Du chỉ rõ.
Cũng theo ông Du, nếu nhà nước bỏ tiền thuế ra xây đường thì đường xây ở Hà Nội nhưng những người ở Cà Mau cũng phải đóng tiền, mặc dù không bao giờ đi. Thu hút nguồn lực từ xã hội mà cụ thể là BOT là công bằng vì ai sử dụng đường thì người đó trả tiền. Có những việc tư nhân làm tốt hơn, nên để tư nhân làm.
“Sử dụng tiền ngân sách đầu tư sẽ kéo theo nhiều nguy cơ tham nhũng, tiêu cực hơn cả PPP. Vì thế cách tốt nhất là giảm thiểu tối đa vai trò của nhà nước, để thị trường hoặc nhà nước và nhân dân cùng làm theo hình thức đối tác công - tư”, ông Huỳnh Thế Du cho biết. |
Mai Phương