Vietstock - Dầu tăng gần 3% do lo ngại về sản lượng
Giá dầu tăng gần 3% trong ngày thứ Sáu (1/7) khi vấn đề sản lượng tại Libya và cuộc đình công được dự báo trước tại Na Uy áp đảo lo ngại việc nhu cầu sẽ giảm do suy thoái kinh tế.
Hợp đồng dầu Brent tăng 2.71 USD (tương đương 2.5%) lên 111.74 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI nhảy 2.81 USD (tương đương 2.7%) lên 108.57 USD/thùng.
Cả hai hợp đồng đều từng rớt giá khoảng 3% vào ngày thứ Năm, hình thành một cây nến tháng màu đỏ lần đầu tiên kể từ tháng 11. Tuần vừa qua, hợp đồng Brent giảm 1.2%, trong khi WTI tăng 0.9%.
Giá dầu tăng vào ngày thứ Sáu bất chấp số liệu công bố cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ trong tháng trước chậm hơn so với dự kiến, gia tăng dấu hiệu nền kinh tế nước này đang dần mất nhiệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ.
Viện Quản lý Nguồn Cung (ISM) cho hay chỉ số hoạt động sản xuất quốc gia đã rớt xuống 53 trong tháng 6, mức thấp nhất trong vòng 2 năm.
Tuy nhiên, sản lượng nhiên liệu và dầu thô khan hiếm đã ủng hộ cho thị trường dầu ngay cả khi chứng khoán “đỏ lửa” còn đồng USD, vốn có mối quan hệ tương phản với dầu, lại tăng.
Một cuộc biểu tình có kế hoạch của công nhân khí đốt và dầu tại Na Uy vào ngày 5/7 có thể cắt giảm tổng sản lượng dầu của nước này khoảng 8%, hay tương đương khoảng 320,000 thùng/ngày, trừ phi vào phút chót hai bên có được sự đồng thuận về lương, một tính toán của Reuters cho thấy.
Tập đoàn Dầu Quốc gia Libya (NOC) vào ngày thứ Năm tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại cảng Es Sider và Ras Lanuf, cũng như tại vịnh dầu El Feel. Tình trạng bất khả kháng vẫn còn tiếp tục diễn biến tại cảng Brega và Zueitina.
Sản lượng suy giảm đáng kể, hằng ngày chỉ xuất khẩu từ 365,000 và 409,000 thùng/ngày, giảm 865,000 thùng/ngày so với công suất sản xuất bình thường, NOC chia sẻ.
Trong tuần này, số lượng giàn khoan tại Mỹ, một chỉ số dự báo trước sản lượng tương lai, tăng 1 lên 595, số liệu cao nhất kể từ tháng 3/2020, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Thậm chí dù trong tháng 6 số lượng giàn khoan tại Mỹ đã tăng lên con số kỷ lục trong vòng 22 tháng, tốc độ tăng hàng tuần hầu như chỉ ở mức một con số do nhiều công ty tập trung trả lãi nhà đầu tư và trả nợ hơn là gia tăng sản lượng.
Trong khi đó, vào ngày thứ Năm, chính phủ và thủ lĩnh các nhóm bản địa của Ecuador đã đạt được thỏa hiệp, chấm dứt hơn 2 tuần phản kháng, vốn đã dẫn tới việc mất hơn phân nửa sản lượng dầu 500,000 thùng/ngày trước thềm khủng hoảng của nước này.
Cũng trong thứ Năm, nhóm OPEC+, gồm Nga, đồng ý bám theo chiến lược sản lượng sau cuộc họp kéo dài 2 ngày. Tuy nhiên, các nước sản xuất dầu này lại tránh né thảo luận về chính sách cho tháng 9 tới.
Trước đó, OPEC+ đã quyết định trong tháng 7 và 8 sẽ nâng sản lượng hàng tháng lên 648,000 thùng/ngày, tăng so với kế hoạch trước đó 432,000 thùng/ngày.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy OPEC đã sản suất 28.52 triệu thùng/ngày trong tháng 6, giảm 100,000 thùng/ngày so với tổng sản lượng điều chỉnh của tháng 5.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thực hiện chuyến công tác qua 3 địa điểm, trong đó có Ả Rập Xê Út, ở Trung Đông trong giữa tháng 7, biến chính sách năng lượng thành tâm điểm do Mỹ và các quốc gia khác đối mặt với tình trạng giá nhiêu liệu tăng vọt dẫn đến lạm phát.
Ngày thứ Năm, ông Biden cho biết sẽ không trực tiếp gây áp lực để Ả Rập Xê Út tăng sản lượng dầu nhằm kìm hãm việc tăng giá trong cuộc gặp gỡ với hoàng tử và vua nước này vào tháng 7.
Tuệ Nhiên (CNBC)