Vietstock - Dầu có tuần giảm giá đầu tiên trong 6 tuần qua
Tuần qua, giá dầu WTI lùi 0.3%, giá dầu Brent mất 1.3%
Các hợp đồng dầu thô tương lai nhảy vọt trong ngày thứ Sáu, rút khỏi đáy 2 tuần, nhưng vẫn ghi nhận tuần sụt giảm đầu tiên trong 6 tuần qua, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12 trên sàn Nymex cộng 1.41 USD (tương đương 2.6%) lên 56.55 USD/thùng. Hợp đồng này sẽ hết hạn vào ngày thứ Hai.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 1 trên sàn Luân Đôn tiến 1.36 USD (tương đương 2.2%) lên 62.72 USD/thùng.
Dẫu vậy, trong tuần qua, cả 2 hợp đồng này đều suy yếu sau khi leo dốc 5 tuần trước đó. Cụ thể, hợp đồng dầu WTI lùi 0.3% còn hợp đồng dầu Brent mất 1.3%. Giá dầu sụt giảm do những lo ngại về sự gia tăng bất ngờ của dự trữ dầu tại Mỹ, dự báo nhu cầu toàn cầu thấp hơn và đà leo dốc lên mức kỷ lục của sản lượng dầu tại Mỹ. Hôm thứ Năm, cả 2 hợp đồng dầu WTI lẫn dầu Brent đều đóng cửa tại mức thấp nhất kể từ ngày 02/11/2017.
Adrienne Murphy, Giám đốc phân tích thị trường tại AvaTrade, nhận định: “Góp phần làm giá dầu sụt giảm là chiến dịch ngừng đầu tư của Ngân hàng Trung ương Na Uy nhằm loại những rủi ro trong thị trường dầu”.
Vào ngày thứ Năm, Quỹ đầu tư quốc gia Na Uy cho biết họ có thể rút vốn đầu tư dầu khí trị giá 1 ngàn tỷ USD.
Tuy nhiên, dầu đã quay đầu tăng mạnh trong ngày thứ Sáu khi “Ả-rập Xê-út nhanh chóng ngăn chăn đà sụt giảm này, bằng cách trấn an thị trường rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất chủ chốt khác, như Nga, đã cam kết gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng”, ông Murphy chia sẻ.
OPEC dự kiến tổ chức cuộc họp chính thức tiếp theo vào ngày 30/11 tới. Trong đó, thị trường kỳ vọng Tổ chức này sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau khi hết hạn vào tháng 3/2018
Trong khi đó, vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ gần như đi ngang tuần qua, nhưng đã cộng 9 giàn trong tuần trước, qua đó làm gia tăng lo ngại khi sản lượng nội địa liên tục leo dốc.
Sau phiên giao dịch ngày thứ Sáu, Viện Xăng dầu Mỹ (API) cho biết tổng sản lượng dầu thô tại nước này đã ghi nhận mức cao nhất trong tháng 10 kể từ năm 1972.
Bên cạnh đó, đà suy yếu của đồng USD cũng góp phần hỗ trợ cho dầu, vốn được neo giá theo đồng bạc xanh. Cụ thể, chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – lùi 0.3% xuống 93.677, đồng thời đã giảm 0.8% trong tuần qua.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 12 cộng 1.8% lên 1.745 USD/gallon, nhưng vẫn sụt 3.7% trong tuần qua. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 12 vọt 2.3% lên 1.947 USD/gallon, đồng thời ghi nhận mức tăng 0.6% tuần qua.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 12 tiến 1.4% lên 3.097 USD/MMBtu. Tuần qua, hợp đồng này đã mất 3.6%.
An Trần