💼 Bảo vệ danh mục của bạn với công cụ chọn cổ phiếu có AI hỗ trợ của InvestingPro – HIỆN GIẢM tới 50% NHẬN ƯU ĐÃI

Bò Úc hết thời nuôi sao cũng lãi

Ngày đăng 13:33 24/07/2018
Bò Úc hết thời nuôi sao cũng lãi

Vietstock - Bò Úc hết thời nuôi sao cũng lãi

Nhiều dự án vỗ béo bò Úc có quy mô ngàn tỉ đã phải thu hẹp hoặc ngừng chăn nuôi để cắt lỗ cho thấy lĩnh vực này không hề "dễ ăn".

Chuyện nhập khẩu bò Úc về bán ngay hoặc vỗ béo rồi bán bò sống cho các lò mổ để kiếm lời đã thành quá khứ. Các doanh nghiệp (DN) còn tham gia lĩnh vực này đã phải chuyển đổi hoạt động theo mô hình chuỗi khép kín, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm giá trị gia tăng để tìm kiếm lợi thế cạnh tranh.

Bán bò sống là thua

Đầu tiên phải kể đến dự án nuôi 236.000 con bò với tổng vốn đầu tư lên đến 6.300 tỉ đồng của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) công bố giữa năm 2014, bò thịt chủ yếu nhập khẩu từ Úc để vỗ béo. Năm 2016, HAGL báo cáo đã bán 122.740 con bò thịt mang lại doanh thu 3.465 tỉ đồng. Nhưng đến năm 2018, HAGL chỉ duy trì đàn bò thịt ở mức 13.000 con để "hỗ trợ nguồn phân bón cho trồng trọt".

HAGL giải thích lý do thu hẹp mảng này là do thiếu vốn lưu động và biên độ lợi nhuận trong giai đoạn này không cao.

Mới đây, dự án nuôi bò thịt có tổng vốn 4.500 tỉ đồng, quy mô 254.200 con/năm của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (tỉnh Hà Tĩnh) triển khai vào năm 2015 cũng phải xin trả lại đất, thu hẹp quy mô. Qua 3 năm triển khai, bình quân quy mô nuôi của công ty chỉ đạt 15.000 con bò/năm và đến tháng 7-2018, đàn bò tại trang trại giảm còn 1.140 con.

Tại TP HCM, nơi nuôi bò Úc vỗ béo lớn nhất là trang trại Delta (huyện Hóc Môn) quy mô 2.000 con, hoạt động từ cuối năm 2014 và cũng đang trong tình trạng "chuồng bỏ không". Thông tin này được chính ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Daso, chủ quản trang trại Delta - xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động. "Giá bò Úc bán ra đang bằng hoặc thấp hơn chi phí nuôi nên tốt nhất là ngưng nuôi để tránh lỗ" - ông Hòa thẳng thắn.

Việt Nam bắt đầu nhập khẩu bò Úc về vỗ béo từ năm 2012 với sản lượng chỉ 3.000 con và bùng nổ sản lượng vào năm 2015 với 320.000 con bò được nhập khẩu. Đây là cột mốc đánh dấu thị trường vỗ béo bò Úc đi xuống. Thị trường khốc liệt đến nỗi Công ty T.Đ (DN đầu tiên đưa bò Úc về Việt Nam) đã bị cấm nhập khẩu do vi phạm các quy định về phúc lợi động vật, an toàn thực phẩm dưới sức ép của cuộc đua hạ giá.

Theo ông Nguyễn Thanh Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ chăn nuôi nông nghiệp Việt Úc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), ở giai đoạn trước năm 2015, nhập bò Úc về "làm kiểu gì cũng lời" vì giá mua tại Úc rẻ (2,2-2,3 USD/kg), trong khi giá bò hơi tại Việt Nam lại cao (70.000-76.000 đồng/kg). Sau đó, giá bò nhập khẩu từ Úc đội lên 2,9-3 USD/kg, giá bò hơi trong nước tụt xuống còn 66.000 - 68.000 đồng/kg.

"Phải đến đầu năm 2018, thị trường bò nói chung tại Việt Nam mới dễ thở khi không còn các đợt bán tháo lớn. Nuôi bò vỗ béo phải theo quy trình, đến ngày xuất chuồng thì phải bán, nếu nuôi tiếp bò sinh mỡ, không sinh lợi nhuận mà sinh lỗ. Các DN chỉ vỗ béo bò, không có lò mổ, không có thị trường tiêu thụ thịt bò bị ép ở đây. Ngay công ty tôi có chuỗi khép kín từ nhập khẩu, trang trại, lò mổ, phân phối nhưng vẫn phải thu hẹp do không hiệu quả. Trang trại sức chứa 10.000 con nhưng giờ nuôi chưa tới 3.000 con, lượng mổ từ 30 con/đêm xuống còn 7 con/đêm do cạnh tranh quá khốc liệt" - ông Khuê nói.

Bò Úc giết mổ tại Việt Nam cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi thịt nhập khẩu. Ảnh: AN NA

Cạnh tranh với thịt nhập

Theo Hiệp hội Thịt và Gia súc Úc (MLA), hiện Việt Nam chỉ còn 7 DN trực tiếp tham gia nhập khẩu bò Úc với sản lượng ổn định khoảng 200.000 con/năm. Đầu năm 2017, MLA và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã ký chương trình hợp tác "Gia tăng giá trị thịt để ổn định thị trường thịt bò Úc ở Việt Nam".

Tiếp đó, phía Úc còn tài trợ khóa học ngắn hạn cho 18 học viên Việt Nam là quản lý hoặc chủ các cơ sở chế biến và giết mổ để tạo nguồn nhân lực cải tiến ngành chế biến thịt trong nước. Những học viên này được đến tham quan, học tập tại Úc và Indonesia (nước nhập khẩu bò Úc lớn nhất, Việt Nam đứng nhì) để tìm hiểu về quy trình quản lý cơ sở chế biến thực phẩm và giết mổ nhằm bảo đảm chất lượng, phúc lợi động vật...

Trao đổi với phóng viên, ông Michael Patching, Giám đốc dịch vụ khu vực châu Á - Thái Bình Dương MLA, nhìn nhận trước đây, các DN nhập khẩu bò Úc về chỉ để vỗ béo và bán cho các lò mổ. "Như vậy là DN phải cạnh tranh với chăn nuôi bò truyền thống. Ở Việt Nam, khi đưa bò vào lò mổ thì chỉ tính tiền theo trọng lượng thịt, không phân biệt là bò Úc hay Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan. Điều đó dẫn đến cuộc cạnh tranh về giá nhưng cạnh tranh về giá sẽ đưa thị trường xuống đáy. Do đó, MLA đến đây để giúp các DN thay đổi tư duy chiến lược nhằm phát triển hoạt động kinh doanh theo mô hình chuỗi cung ứng. Chúng tôi hỗ trợ để giúp thịt bò Úc tại Việt Nam có thêm giá trị gia tăng, người tiêu dùng ưa chuộng hơn và không cạnh tranh với thị trường truyền thống" - đại diện MLA phân tích.

Theo ông Michael Patching, sức ép từ thịt bò nhập khẩu (bò giết mổ sẵn ở các nước - PV) là rất lớn, các nhà máy giết mổ tại Việt Nam nếu thụ động, sản xuất theo cách cũ sẽ không cạnh tranh nổi mà phải nhường thị trường cho thịt ngoại chiếm lĩnh.

Ông Nguyễn Thanh Khuê, một trong những thành viên của khóa học trên, đã quyết định thành lập nhóm "gia tăng giá trị cho thịt bò", phát triển dòng sản phẩm chất lượng cao. Theo ông Khuê, phương thức kinh doanh thịt bò truyền thống của Việt Nam là đêm giết mổ, ngày hôm sau phải tiêu thụ hết, không thể để tồn kho vì thịt giảm chất lượng. "Trong khi đó, ở các nước có công nghệ làm mát giúp thịt bò bảo quản đến 90 ngày. Chúng tôi đang triển khai giải pháp này để không phải lo cạnh tranh với "hàng chợ". Thị trường chúng tôi nhắm đến là các nhà hàng, khách sạn cao cấp, nơi đang dùng thịt bò nhập khẩu ở phân khúc chất lượng cao. Không chỉ bò Úc, khi quy trình hoàn thiện, bò nội cũng có thể áp dụng giết mổ tiên tiến để nâng chất lượng" - ông Khuê kỳ vọng. 

Người tiêu dùng chưa hưởng lợi

Ở các nước có ngành chăn nuôi bò thịt phát triển, thịt xuất khẩu được phân ra đến 5 cấp dựa vào tuổi, giống và giới tính nên cùng một mặt hàng, giá có thể lệch nhau đến 3 lần. Trong khi đó, thị trường Việt Nam thịt bò được "đổ đồng" giá và chủ yếu dựa vào cảm quan. Muốn khắc phục điều này, Việt Nam cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn về thịt bò để làm cơ sở đánh giá chất lượng sản phẩm. Theo các DN, thời gian qua thị trường bò thịt biến động lớn, nhiều DN đầu tư trang trại, lò mổ thua lỗ do giá bò hơi và thịt bò sỉ giảm nhưng giá thịt bò bán lẻ không giảm, người tiêu dùng chưa được hưởng lợi do bị chi phối bởi trung gian.

Ngọc Ánh

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.