Vietstock - Hướng đi của doanh nghiệp sau đại dịch?
Hiện tại, ở những quốc gia có tỷ lệ người dân đã được tiêm vaccine cao, việc mở cửa lại nền kinh tế cũng không chắc chắn. Tác động của Covid-19 đến các ngành nghề khác nhau và không biết đến khi nào hệ lụy mới chấm dứt. Với Việt Nam, những doanh nghiệp (DN) tồn tại được qua dịch Covid-19 là DN thực sự có sức mạnh nội tại và kiên cường. Sau bão tố trời sẽ quang mây và con đường đi mới của DN sẽ như thế nào?
Chuyển đổi số mạnh hơn
Giãn cách xã hội, làm việc tại nhà, thương mại điện tử tăng mạnh, các họp hành trao đổi trực tuyến… đã khiến nhiều DN phải chuyển sang mô thức hoạt động mới, dù những điều này trước khi đại dịch cũng đã tồn tại nhưng ít phổ biến. Chuyển đổi số với các DN thương mại dịch vụ sẽ mạnh mẽ hơn khối sản xuất nhưng không vì thế các DN sản xuất có sự chuyển mình nhẹ hơn.
Một thí dụ dễ thấy là các DN sẽ ngày càng dùng chữ ký điện tử nhiều hơn, số hóa ngày càng nhiều các tài liệu, hợp đồng. DN cũng ngày càng sử dụng dịch vụ đám mây nhiều hơn để lưu trữ, hoặc thực hiện nhiều tác vụ khác, thay vì phải đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin vì bài toán chi phí.
Nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất khi duy trì hoạt động trong giai đoạn giãn cách, hạn chế đi lại cũng phải thích nghi nhiều hơn với việc sử dụng kết nối công nghệ. Chẳng hạn, có những việc đành phải xử lý qua video call khi chuyên gia nước ngoài không thể đến tận nơi.
Có điều nguồn lực của DN đã bị cạn kiệt một phần hoặc phần lớn trong suốt thời gian đại dịch, nên khả năng đầu tư để chuyển đổi số là thách thức không hề nhỏ. Nếu DN phải tự thân vận động e rằng khó thực hiện được chuyển đổi số như mong muốn.
Nỗ lực tìm bạn hàng mới
Một phần lớn DN trụ được qua đại dịch sẽ phải đương đầu với việc một số đối tác, bạn hàng cũ không trở lại, đó có thể là khách hàng, nhà cung cấp, hay cả hai. Trong các mắt xích của một nền kinh tế, một DN phá sản có thể là điểm khởi đầu cho một loạt phá sản về sau.
Nguồn lực của DN đã bị cạn kiệt trong suốt thời gian đại dịch. Vì thế, để DN vượt qua khó khăn rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong hoạch định chính sách ngay từ bây giờ và cả sau đại dịch. |
Thử hình dung một DN kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng thời covid, ròng rã hơn 1 năm trời không phát sinh doanh thu, trong khi các khoản chi cố định vẫn phải gánh, sẽ không thể trụ được nếu không có sự hỗ trợ của Chính phủ hay một khả năng dự phòng tài chính dồi dào.
DN này bị mất khả năng thanh toán sẽ dẫn đến DN xây dựng thi công cho khu nghỉ dưỡng này mất cân đối dòng tiền, có thể dẫn đến mất khả năng thanh toán, và hiệu ứng domino có thể tiếp tục như vậy.
Trong trường hợp khách hàng của DN bị tạm dừng hoạt động hay giải thể, DN phải tìm nguồn khách hàng khác để bù đắp nhằm đảm bảo doanh thu, vì nguồn lực của DN trước đó tương ứng với doanh thu. Nếu doanh thu giảm đột ngột, không bù đắp được phải cắt giảm quy mô. Và hệ lụy lớn nhất trong tình huống này là cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến người lao động và gia đình của họ.
Ở một số quốc gia khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn và mở cửa nền kinh tế trở lại, một số DN với sự hỗ trợ của chính phủ đã tìm đến phân khúc thị trường mới, thông qua việc chuyển đổi sản phẩm dịch vụ và tìm đến các nhà cung cấp trong vùng. Các hoạt động thương mại điện tử, đặt hàng trực tuyến hay đặt hàng và thanh toán trước, là những giải pháp được áp dụng trong lúc dịch bệnh và được tiếp tục duy trì.
Thí dụ, một số nhà sản xuất rượu vang ở Pháp, thay vì khi đóng chai mới bán ra thị trường như trước đây, bây giờ ngay từ khi rượu còn trong thùng gỗ sồi khách hàng có thể đặt mua và thanh toán ngay, sau 2 năm sẽ nhận được rượu. Người mua sẽ được chiết khấu 20-25% và người bán có thêm dòng tiền hoạt động.
Thêm kinh nghiệm với khủng hoảng
Với những gì đã diễn ra trong thời gian dịch bệnh vừa qua, nhiều DN Việt Nam đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với khủng hoảng. Những bất cập trong việc triển khai và thực hiện hiện các chính sách như “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm” ở một số địa phương đã đưa nhiều DN vào thế phải linh động ứng phó và tự rút kinh nghiệm.
Giãn cách xã hội đã khiến nhiều DN phải chuyển sang mô thức hoạt động mới.
|
Những doanh nghiệp trụ được và vượt qua để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, phải nói rất đáng khâm phục. Trong khi nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ rất hạn chế, nhiều trường hợp còn gây khó khăn hơn cho DN, như các quy định về giấy đi đường, các chốt kiểm soát, chuỗi cung ứng bị đứt gãy…
Thay đổi kế hoạch sản xuất, nhân sự trong tình trạng khẩn cấp, bất ngờ đặt nhiều DN ở trong trạng thái không khác gì thời chiến. Chính vì vậy, những doanh nhân dẫn dắt được DN vượt qua khó khăn, duy trì được việc làm cho người lao động thực sự là những anh hùng.
Cần được chung vai sát cánh
Qua đại dịch DN như một người vừa trải qua cơn bạo bệnh nên không thể vận động khỏe và nhanh như trước khi bệnh. Mà muốn phục hồi nhanh cần phải được bồi dưỡng, hỗ trợ tích cực. Các chính sách hoãn hay giãn các nghĩa vụ đóng góp của DN sẽ không thể hiệu quả bằng việc hỗ trợ trực tiếp bằng “tiền tươi thóc thật” cho DN, giúp họ tìm kiếm thị trường mới, nguồn cung mới.
Bên cạnh đó, các DN nội trong lĩnh vực công nghiệp bổ trợ, trong hệ sinh thái với các DN FDI còn có nguy cơ đương đầu với khả năng DN FDI giảm quy mô hoạt động ở Việt Nam vì những hệ lụy của giãn cách xã hội. Vì vậy các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách có liên quan nên nhanh chóng nắm bắt tình hình, cùng tháo gỡ nhanh chóng các khó khăn vướng mắc của DN FDI.
Các hỗ trợ DN nhận được trực tiếp từ Chính phủ so với nhiều nền kinh tế tương đồng khác thực tế vẫn còn thấp nếu tính theo tỷ trọng GDP. Trong trường hợp nguồn lực bị giới hạn, cũng có thể cần đến những quyết định ngoại lệ từ cơ quan lập pháp, cụ thể là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để trao thêm quyền cho Chính phủ, cho các thành phố lớn.
Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện thông thoáng thuận lợi cho DN, cũng cần được thực hiện quyết liệt mạnh mẽ, vì giai đoạn này là then chốt, nếu bỏ lỡ chi phí cơ hội sẽ rất lớn.
TS. Võ Đình Trí