Vietstock - Lãi suất 2020 – Mục tiêu ổn định có khả thi?
Dù chịu không ít áp lực, nhưng mặt bằng lãi suất 2020 được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ ổn định, khi vẫn có những yếu tố giúp hỗ trợ biến số vĩ mô quan trọng nhất này và cũng nhận được sự quan tâm nhiều nhất trong nền kinh tế. Liệu nhà điều hành và ngay chính các ngân hàng thương mại, có những động lực, điều kiện thuận lợi nào để giữ hoặc thậm chí giảm thêm lãi suất?
*2019 thành công và những áp lực lên lãi suất 2020
Cam kết của nhà điều hành
Bên cạnh những áp lực tác động tiêu cực lên lãi suất như đã nói, vẫn có những yếu tố có thể giúp mặt bằng lãi suất tiếp tục được ổn định. Đầu tiên phải kể đến việc kéo thành công mặt bằng lãi suất tiền gửi trong năm 2019 vừa qua sẽ mở đường giúp giảm thêm lãi suất cho vay, dù trước mắt có thể chưa diễn ra đồng loạt do đây cũng đang là thời điểm căng thẳng thanh khoản cuối năm và nhu cầu vay cao.
Tuy nhiên, theo dự báo của một số tổ chức, ngay sau tết Nguyên đán, khi dòng tiền rút ra trước đó quay trở lại hệ thống ngân hàng sẽ giúp thanh khoản dồi dào hơn, cộng thêm nhu cầu vay thấp, thị trường có thể chứng kiến lãi suất huy động tiếp tục giảm xuống và lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực còn lại cũng có thể đi xuống mạnh hơn, không riêng gì các lĩnh vực ưu tiên, theo như mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ gần đây.
Về góc độ nhà điều hành, những chính sách bơm hút linh hoạt, phù hợp trên thị trường mở, cộng với khả năng tiếp tục mua thêm ngoại tệ để gia tăng thêm dự trữ ngoại hối, trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào khi hoạt động thương mại và vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục thuận lợi trong bối cảnh chiến tranh thương mại sẽ chưa thể dứt điểm. Chính sách mua vào ngoại tệ dĩ nhiên cũng sẽ hỗ trợ thanh khoản tiền đồng cho hệ thống ngân hàng, và được xem là giải pháp hỗ trợ phần nào để ổn định lãi suất như suốt thời gian qua.
Bên cạnh đó, mục tiêu tiếp tục ưu tiên ổn định vĩ mô trong bối cảnh thế giới ngày càng căng thẳng và bất ổn, theo đó nhà điều hành có thể kiểm soát chặt chẽ mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành và tổng phương tiện thanh toán như 2 năm qua, cùng với những giải pháp can thiệp bất kỳ lúc nào để kìm hãm mặt bằng lãi suất. Đó sẽ tiếp tục là những yếu tố quan trọng góp phần vào mục tiêu ổn định lãi suất.
Cần nhớ rằng, theo mục tiêu của Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 -2020, một trong 4 mục tiêu đặt ra là phải kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5% đến năm 2020. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND (HM:VND) ngắn hạn vẫn ở mức 6,0-9,0%/năm; trung và dài hạn 9,0-11%/năm; các lĩnh vực ưu tiên là 6%/ năm.
Nhu cầu vốn của ngân hàng
Về phía các ngân hàng, với kết quả nguồn vốn trung dài hạn đã tăng rất mạnh trong năm 2019 qua việc thi nhau phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi dài hạn, nâng lãi suất tiền gửi trung dài hạn trong trong nửa đầu năm nay, do phải đáp ứng hệ số an toàn vốn mới theo chuẩn Basel II và Thông tư 41/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu năm 2020, cũng như lộ trình giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, thì các nhà băng đã có một nguồn vốn kinh doanh bền vững để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, do đó áp lực phải tăng cường vốn huy động trong thời gian tới sẽ phần nào hạ nhiệt.
Ngoài ra, một số ngân hàng đã tăng mạnh vốn điều lệ thành công trong năm vừa qua, từ các thương vụ phát hành tăng thêm cho cổ đông hiện hữu, chia cổ tức, thưởng bằng cổ phiếu, hay bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài như Vietcombank (HM:VCB), BIDV (HM:BID),… cũng sẽ giúp các tổ chức này giảm bớt áp lực huy động vốn. Cần lưu ý rằng trong thời gian qua, những ngân hàng nào sau khi tăng mạnh được vốn điều lệ thường có xu hướng giảm lãi suất đầu vào, do rơi vào tình trạng dư thừa vốn và các tỷ lệ an toàn vượt trội so với quy định.
Trong năm 2020, các ngân hàng còn lại dự kiến phải lên sàn theo thời hạn chót mà các cơ quan quản lý yêu cầu. Cụ thể, theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 8/2018, một trong các mục tiêu của ngành ngân hàng đến năm 2020 là phải hoàn thành 100% việc niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng TMCP trên sàn chứng khoán. Gần đây hơn, Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 2/2019, cũng đặt thời hạn cuối niêm yết vào năm 2020 cho toàn bộ các NHTM.
Theo đó, nếu niêm yết thành công, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán 2020 được dự báo sẽ thuận lợi hơn, nhóm nhà băng này cũng có thể kêu gọi thêm vốn, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài như OCB, Nam Á hoặc sử dụng các hình thức tăng vốn quen thuộc như chia cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại suốt nhiều năm qua. Khi đó, với nguồn vốn kinh doanh dồi dào hơn, sẽ trở thành yếu tố thuận lợi để các ngân hàng kiểm soát lãi suất đầu vào theo mục tiêu tối ưu hóa nguồn vốn và gia tăng lợi nhuận.
Bên cạnh những quy định mới của Thông tư 22/2019/TT-NHNN có thể gây áp lực lên lãi suất, thì cũng có quy định có thể tác động tích cực, trong đó có thể kể đến việc NHNN mở rộng tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của các NHTM cổ phần tối đa từ 80% lên 85% kể từ đầu năm 2020 cũng tạo cơ hội cho nhóm nhà băng này có thể đẩy mạnh vốn cho ra nhiều hơn, từ đó lợi nhuận có hội tăng trưởng cao hơn, cũng tạo điều kiện có thể giảm thêm lãi suất cho vay. Rõ ràng với số lượng vốn ra lớn hơn giúp mang lại nhiều lợi nhuận hơn, các nhà băng có thể lựa chọn giảm bớt lãi suất vay vốn vừa để hỗ trợ khách hàng, vừa đi theo định hướng của nhà điều hành mà không sợ ảnh hưởng đến các hệ số sinh lời.
Nếu niêm yết thành công, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán 2020 được dự báo sẽ thuận lợi hơn, nhóm nhà băng này cũng có thể kêu gọi thêm vốn, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài như OCB, Nam Á, hoặc sử dụng các hình thức tăng vốn quen thuộc như chia cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại suốt nhiều năm qua. Khi đó, với nguồn vốn kinh doanh dồi dào hơn, sẽ trở thành yếu tố thuận lợi để các ngân hàng kiểm soát lãi suất đầu vào theo mục tiêu tối ưu hóa nguồn vốn và gia tăng lợi nhuận. |
Phan Thụy