Vietstock - Nguồn tiền từ đâu để làm đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ 170.000 tỉ đồng?
Bộ GTVT vừa trả lời cử tri Cần Thơ về việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ với mức đầu tư dự kiến khoảng 170.000 tỉ đồng (tương đương 7 tỉ USD).
Cử tri Cần Thơ kiến nghị Bộ GTVT sớm thực hiện chủ trương và tập trung các nguồn lực để đầu tư tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, góp phần tạo thêm nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bộ GTVT đã trả lời cử tri về việc này.
Về triển khai tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, Bộ GTVT cho hay, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt này có chiều dài khoảng 174km, đường khổ đôi 1.435mm, dự kiến nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.
Hiện nay, Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Do dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, nên việc nghiên cứu chuẩn bị đầu tư cần được xem xét một cách kỹ lưỡng nhằm bảo đảm hiệu quả, tính khả thi và đáp ứng các yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật.
Bộ GTVT cũng đề nghị UBND TP Cần Thơ và các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong quá trình nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư để sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, báo cáo các cấp có thẩm quyền về chủ trương đầu tư dự án.
Việc kêu gọi tư nhân đầu tư dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ hiện nay được đánh giá là khó khả thi (Ảnh minh hoạ)
|
Trước đó, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt chỉ đạo tư vấn khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, lấy ý kiến của các địa phương và các đơn vị có liên quan trong quý III và hoàn thiện trong quý IV tới đây để triển khai các thủ tục tiếp theo, phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trước năm 2025 và triển khai đầu tư trước năm 2030.
Theo phương án nghiên cứu tiền khả thi do đơn vị tư vấn lập, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có điểm đầu là ga An Bình (Bình Dương), điểm cuối là ga Cái Răng. Chiều dài toàn tuyến khoảng 174km với 13 nhà ga, đi qua 6 tỉnh, thành gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.
Về quy mô đầu tư là đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435mm, tốc độ thiết kế khoảng 190km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng.
Với vận tốc trên, thời gian chạy tàu giữa TP.HCM - Cần Thơ sẽ được rút ngắn chỉ còn 75 - 80 phút thay vì đi đường bộ mất từ 3 - 4 giờ như hiện nay.
Tổng mức đầu tư đề xuất đến thời điểm tháng 6/2022 vừa qua khoảng 170.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 7 tỉ USD). Tuy nhiên, theo Ban QLDA đường sắt, phương án tuyến đi qua sẽ có điều chỉnh do có tỉnh đang điều chỉnh quy hoạch. Do đó, tổng mức đầu tư sẽ còn thay đổi.
Khó kêu gọi tư nhân đầu tư
Bàn về vấn đề này, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt cho hay, hiện nay vẫn đang bàn thảo nhiều phương án vốn, có thể 100% PPP, nghĩa là 100% vốn nhà đầu tư. Nhà đầu tư sẽ hoàn vốn từ doanh thu chạy tàu, từ khai thác các lợi ích khác. Cũng có thể Nhà nước 20%, nhà đầu tư 80%...
Nhìn nhận từ kinh nghiệm quốc tế, ông Trần Thiện Cảnh, Phó cục trưởng Đường sắt Việt Nam cho biết, hình thức đầu tư PPP hạ tầng giao thông thường do Nhà nước đầu tư, sau đó nhượng quyền hoặc cho tư nhân thuê khai thác trong một thời hạn nhất định. Tư nhân sẽ không bỏ tiền đầu tư cả một tuyến đường vì số tiền quá lớn, trong khi việc thu hồi vốn từ bán vé cho hành khách lại rất nhỏ, phương án tài chính không thể thu hồi vốn.
Do vậy, để dự án khả thi, thu hút được nhà đầu tư tư nhân, phải quy hoạch phát triển hệ sinh thái liên quan trên tuyến để nhà đầu tư tham gia khai thác, thu được lợi ích từ đó. Địa phương cũng thu được tiền từ khai thác quỹ đất này để đầu tư cho tuyến đường, giảm vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.
Trả lời kiến nghị của cử tri Cần Thơ về việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT cho biết, Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18 để triển khai thực hiện. Đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư các dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được cân đối trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Bộ GTVT đang quyết liệt chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị quản lý dự án) khẩn trương hoàn tất các thủ tục để triển khai thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. |
Vũ Điệp