Đánh giá thị trường Ngoại hối ngày 17/3
Chính sách lãi suất bằng 0 đã trở lại! Trong một tuyên bố đầy kịch tính vào tối Chủ nhật, Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất tròn 1 phần trăm xuống mức 0-0,25%, về cơ bản là lãi suất bằng không. Họ cũng khởi động lại chương trình nới lỏng định lượng với chương trình mua tài sản trị giá 700 tỷ USD. Tất cả những động thái này diền ra sau quyết định khẩn cấp cắt giảm lãi suất 0.5% vào ngày 3/3 và kèm theo thông báo giảm hạn mức tín dụng chéo (swap lines) của các Ngân hàng quan trọng nhằm đảo bảo luôn sẵn sàng nguồn cung USD.
Nhưng tất cả chưa dừng ở đó….
Ngân hàng TW New Zealand cắt giảm lãi suất 75bp xuống 0,25% vào Chủ nhật. Ngân hàng TW Nhật Bản cũng giới thiệu một chương trình cho vay lãi suất bằng 0 mới và tăng cường mua tài sản thông qua các quỹ ETF. IMF cho biết họ sẵn sàng huy động 1000 tỷ USD để cho vay và kêu gọi các Ngân hàng TW can thiệp vào thị trường ngoại hối bên cạnh quyết định lãi suất và các động thái chính sách khác. Các ngân hàng TW toàn cầu đã đưa ra các biện pháp nới lỏng, dù không đồng thời nhưng dường như có sự phối hợp lẫn nhau. Sáng thứ hai, G7 kêu gọi chính phủ can thiệp khẩn cấp, đồng thời đưa ra một số lựa chọn về chính sách tiền tệ, cấm bán khống và đóng cửa thị trường tài chính.
Thật không may, tất cả những biện pháp này đã thất bại trong việc xoa dịu thị trường, chứng khoán vẫn cắm đầu khi thị trường Mỹ mở cửa. Giới đầu tư cho rằng các động thái mới nhất của các Ngân hàng TW chỉ là “miếng gạc cầm máu”. Các chính phủ trên thế giới đang đóng cửa trường học, nhà hàng và cửa hàng kinh doanh, chuyển dần sang chế độ phong tỏa hoàn toàn. Các biện pháp này chắc chắn sẽ tác động mạnh lên kinh tế toàn cầu, thậm chí là dẫn đến suy thoái. Các biện pháp thời chiến đang được áp dụng nhưng nếu là chiến tranh thì vẫn có hoạt động sản xuất để phục vụ cho cuộc chiến còn thời buổi dịch bệnh này thì hầu như chẳng có động lực nào cho sản xuất. Tất cả các ngành nghề sẽ dần chứng kiến tình trạng thất nghiệp. Các biện pháp hỗ trợ được đưa ra để giảm bớt tác động lên các doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng nhưng liệu có hiệu quả hay không thì vẫn cần thời gian để trả lời. Trước mắt, chỉ số sản xuất Empire State của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 từ trước khi New York bị phong tỏa, cho thấy tác động của dịch bệnh lên hoạt động kinh doanh vô cùng khủng khiếp.
Vậy những động thái đó tác động đến thị trường ngoại hối thế nào?
Tâm lý e dè rủi ro vẫn còn và những đồng tiền được hưởng lợi nhiều nhất khi thị trường chứng khoán tiếp tục suy giảm chính là đồng Yên Nhật và đồng Franc Thụy Sỹ. Với những tỷ giá chéo, sự biến động phụ thuộc vào lãi suất của các quốc gia.
Lãi suất của các quốc gia hiện ở mức như sau:
- Mỹ: 0-0.25%
- Úc: 0.5%
- Thụy Sỹ: -0.75%
- Khu vực đồng tiền chung châu Âu: 0%
- Nhật Bản: -0.1%
- New Zealand: 0.25%
- Canada: 0.75%
- Anh: 0.25%
Hiện tại, Canada là nước có lãi suất cao nhất, sau đó là Úc. Ngân hàng trung ương Canada dường như sẽ có một khoảng thời gian ‘nghỉ’ sau khi cắt giảm lãi suất khẩn cấp 2 lần trong tháng này. Tuy nhiên, giá dầu hiện đang ở mức dưới 30USD/thùng và Canada thì phải chịu đựng cả 2 yếu tố: Covid-19 và giá dầu giảm. Ngân hàng trung ương Úc đã từng là ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất nhưng mức giảm rất nhỏ. Úc có thể sẽ tiếp tục giảm lãi suất nhưng họ có thể chỉ giảm 0,25% như mức mà các ngân hàng trung ương khác đã giảm. Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ hiện không còn dư địa để có thể giảm thêm lãi suất. Ngân hàng trung ương châu Âu thì từ chối giảm lãi suất nhưng nền kinh tế của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngân hàng trung ương New Zealand vừa giảm lãi suất hôm Chủ Nhật và cho biết rằng lãi suất sẽ được duy trì ở mức hiện nay trong một khoảng thời gian nữa. Họ phản đối lãi suất âm và nghiêng về khả năng sẽ thực hiện mua lại tài sản trên phạm vi rộng nếu cần phải có biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Tóm lại, chúng tôi tin tưởng rằng đồng Yên Nhật Bản và đồng Franc Thụy Sỹ sẽ tiếp tục tăng giá, đồng Euro sẽ giảm giá, đồng Đô la Úc và Đô la New Zealand sẽ tăng và đồng Đô la Mỹ sẽ vẫn phải chịu áp lực. Chúng tôi dự đoán tỷ giá USD/JPY giảm còn 102 và tỷ giá EUR/USD đã vào vùng thị trường giảm nên hầu hết các dòng giao dịch đều đã hoàn tất, và sẽ kiểm chứng ngưỡng 1.10.