Theo xếp hạng mới nhất của MSCI vào tháng 6-2023, Việt Nam đang trong nhóm các thị trường cận biên với nhiều điểm cần cải thiện. Những nhận xét của MSCI không khác gì mấy so với một năm trước đó, với các điểm nghẽn ở sở hữu nước ngoài, các tài liệu tiếng Anh, thị trường ngoại hối, thanh toán bù trừ, thủ tục đăng ký đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào “danh sách chờ” từ tháng 9-2018 nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có nhiều cải thiện đáng kể.
Theo đó, một số vấn đề chính cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện, điều chỉnh bao gồm:
- Thành lập trung tâm thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) – điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường,
- Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng
- Hoàn thiện cơ chế chính sách
- Vấn đề liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài
- Tăng cường các hoạt động bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư
- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra giám sát.
Một số các tiêu chí khác như: mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, cho vay chứng khoán và bán khống là những vấn đề cần thời gian để cải thiện, mặc dù vậy, đây chưa phải là các yếu tố bắt buộc cần có để được nâng hạng.
Trong trường hợp Việt Nam được các tổ chức FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ có thể được hưởng lợi ở một số khía cạnh như: tăng cường tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam và vị thế quốc gia; doanh nghiệp có nhiều cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng,...
Vậy việc nâng hạng thị trường sẽ mang lại những lợi ích cụ thể như thế nào, các tiêu chí để được nâng hạng thị trường chứng khoán theo MSCI là gì? Mời các bạn theo dõi phân tích của chúng tôi ngay sau đây.