Theo Hoang Nhan
Investing.com - Thị trường giao dịch tương đối yên bình trong phiên đáo hạn phái sinh khi hầu hết các nhà đầu tư đang giữ tâm lý thận trọng trước những biến động mạnh của VN Index gần đây. Tuy vậy, sự yên bình này đã bị phá vỡ chỉ trong 15 phút cuối phiên khi hàng loạt cổ phiếu lớn nhảy giá liên tục và chìm trong sắc đỏ. VN-Index cũng giảm hàng chục điểm chỉ trong vòng vài phút. Điểm sáng là các nhà đầu tư có vẻ không phản ứng quá tiêu cực trước diễn biến này khi hầu như không xuất hiện áp lực bán tháo. Đồng thời, nhiều cổ phiếu có tiềm năng tốt vẫn tăng tích cực bất chấp diễn biến của thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/10, VN-Index giảm 9,03 điểm (-0,65%) xuống 1.384,77 điểm. Toàn sàn có 220 mã tăng, 205 mã giảm và 56 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,16 điểm (0,04%) lên 388,45 điểm. Toàn sàn có 131 mã tăng, 87 mã giảm và 47 mã đứng giá. UPCOM-Index tăng 0,09 điểm (0,09%) lên 99,77 điểm. Toàn sàn có 170 mã tăng, 136 mã giảm và 72 mã đứng giá.
Thanh khoản toàn thị trường giảm còn 25.5 nghìn tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch đạt trên 929 triệu cổ phiếu. Sàn HoSE ghi nhận thanh khoản 21 nghìn tỷ đồng. Trong đó giá trị giao dịch thỏa thuận chiếm 1 nghìn tỷ đồng.
Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng ở mức cao, lên tới 791.41 tỷ đồng trên HoSE. Các mã bị bán ròng mạnh nhất trên có (HM:HPG), (HM:NLG), (HM:VIC), (HM:SSI), (HM:VHM), (HM:NVL)... Ở chiều ngược lại, các mã được mua ròng nhiều nhất có (HM:VNM), (HM:VHC), (HM:TNH),... Việc khối ngoại liên tục bán ròng mạnh trong những phiên gần đây có thể gây tâm lý tiêu cực đến thị trường hiện tại.
Động thái hồi phục mạnh mẽ của VN-Index cuối phiên hôm qua giúp chỉ số một lần nữa tiến sát đến vùng 1,400 điểm khi mở cửa. Tuy vậy, dường như sự lạc quan là không đủ để VN-Index chinh phục được mốc này. Thậm chí chỉ số đã nhanh chóng suy yếu khi chỉ mới tiến đến 1,398 điểm và ở dưới mốc tham chiếu phần lớn phiên giao dịch. Biến động mạnh chỉ thực sự diễn ra trong 15 phút ATC của ngày đáo hạn phái sinh. Chỉ trong 15 phút, nhiều cổ phiếu thuộc rổ VN 30 chịu áp lực bán mạnh và lao dốc như (HM:VJC) (-3%), (HM:SAB) (-2.1%), (HM:GAS) (-2%). (HM:MWG) (-1.7%), VIC (-1.4%),... VN30 có lúc giảm hơn 20 điểm trước khi đóng cửa giảm 15,77 điểm (-1,05%) xuống 1.489,26 điểm. Với diễn biến này, phe Long đã không lặp lại được lịch sử tăng điểm của 2 lần đáo hạn phái sinh gần nhất.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index lần đầu đóng cửa dưới khung giá 1,388-1,401 được thiết lập trong 7 phiên giao dịch trước đó. Mẫu hình nến Black Closing Marubozu cho thấy tình hình đang chuyển biến xấu. Nhưng cũng phải xét rằng điểm số thị trường hiện tại chưa thực chất do chịu nhiều ảnh hưởng từ hoạt động phái sinh. Diễn biến trước thời điểm ATC kết hợp với khối lượng giao dịch có phần suy giảm thể hiện thị trường vẫn đang trong trạng thái lưỡng lự. VN-Index cần đóng cửa trên 1,388 điểm trong ngày mai để thiết lập lại xu thế đi ngang. Trong trường hợp chỉ số tiếp tục giả điểm, hỗ trợ gần nhất của VN-Index là 1,372-1,380 điểm ứng với vùng đỉnh cũ tháng 8.
Nhóm bất động sản ghi nhận nhiều mã cổ phiếu tăng trần như BII (+9.5%), VC7 (+9.4%), HQC (+7%), NBB (HM:NBB) (+6.9%), NHA (+6.9%), NTL (+6.9%),... Trong các phiên gần đây, cổ phiếu bất động sản nhà ở vừa và nhỏ đang nổi sóng trở lại nhờ diễn biến thuận lợi của việc mở cửa trở lại các tỉnh thành sau nhiều tháng giãn cách. Tuy vậy, đây cũng là nhóm ghi nhận mã cổ phiếu giảm sàn duy nhất trong phiên là DLG (-7%) dù trước phiên ATC cổ phiếu này vẫn giao dịch ở sát ngưỡng tham chiếu.
Các cổ phiếu dệt may-sợi cũng có phiên giao dịch hết sức sôi động với NDT (+11.1%), FTM (+6.8%), TCM (HM:TCM) (+6.5%), PPH (+6.4%),... Ngoài ra còn có VGT (HN:VGT) (+3.9%), TNG (HN:TNG) (+1.6%) phản ứng tốt khi chạm đường MA20. Bên cạnh đó, cổ phiếu ngành kim loại cũng tăng mạnh nhờ các thông tin tích cực về kết quả kinh doanh quý 3 như HMC (+7%), TVN (HN:TVN) (+4.3%), VGS (+3.7%),...
Hôm nay, nhiều doanh nghiệp tiếp tục công bố kết quả kinh doanh quý 3. Đáng chú ý có CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (HM:VPG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 992,4 tỷ đồng, tăng trưởng 66,4% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 99,2 tỷ đồng, tăng mạnh gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 tổng doanh thu VPG đạt gần 3.089 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ và vượt 3% kế hoạch của năm. Lợi nhuận sau thuế thu về đạt 360 tỷ đồng, tăng đột biến gấp 13 lần so với cùng kỳ và cao gấp 2,4 lần chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.