Vietstock - Những nút thắt kìm hãm ngành phần mềm
Nhân viên của một công ty công nghệ chuyên về phần mềm bán hàng đang tiếp cận khách hàng tại một sự kiện công nghệ trong nước. Ảnh: Vân Ly |
Trong những năm gần đây, ngành phần mềm đang phát triển nhanh và đang đóng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế của Việt Nam. Song, các chuyên gia cho rằng để ngành này phát triển mạnh và bền vững cần những chính sách, biện pháp hữu hiệu nhằm tháo gỡ các nút thắt, trong đó có những vấn đề liên quan đến khuôn khổ pháp lý.
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của cuộc thi phát triển phần mềm thế giới Hakathon, Việt Nam đứng thứ 23 thế giới về năng lực lập trình viên. Ấn Độ và Mỹ có số lượng người tham gia cuộc thi này đông hơn nhưng thành tích lại khiêm tốn hơn nước ta, theo ông Nguyễn Nhật Quang - Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa). Bình luận về năng lực của nhân lực phát triển phần mềm ở Việt Nam, ông Dionisis Kolokotsas, Giám đốc chương trình phát triển bền vững của Google châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng Việt Nam đứng thứ 23 thế giới về năng lực lập trình viên là cao nhưng vẫn cần có chính sách tốt để phát triển hơn nữa nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.
Những con số tích cực
Tại hội thảo Xây dựng hệ sinh thái vững mạnh cho các nhà lập trình trong cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra gần đây, ông Nguyễn Nhật Quang, cho biết tổng doanh thu ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đạt 8,8 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017. Đến nay đã có 600.000 nhân lực đang phục vụ ngành công nghệ thông tin của Việt Nam. Còn ông Konstantin Matthies, chuyên viên tư vấn và chuyên gia kinh tế vĩ mô của công ty tư vấn và nghiên cứu AlphaBeta – một tổ chức có quy mô toàn cầu chuyên nghiên cứu và tư vấn về chính sách, nói thị trường phần mềm ứng dụng của Việt Nam ước tính đạt doanh thu 500 triệu đô la Mỹ. Năm 2014 có 7% trong tổng số những nhà phát triển ứng dụng hàng đầu tại châu Á đến từ Việt Nam và số điện thoại thông minh được sử dụng tại Việt
Nam được dự báo sẽ đạt 38 triệu chiếc vào năm 2020.
Ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng vụ Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết phần mềm là xương sống trong ngành CNTT của Việt Nam và ngành công nghiệp phần mềm trong nước đã có tên trên bản đồ thế giới. Ông nói thêm rằng doanh thu của mảng phần cứng chủ yếu đến từ sự đóng góp của các nhà máy sản xuất do công ty nước ngoài đầu tư.
Phát biểu tại cuộc hội thảo “Xây dựng hệ sinh thái vững mạnh cho các nhà lập trình trong cách mạng công nghiệp 4.0” do Vinasa phối hợp với công ty Google tổ chức vào ngày 23-5 vừa qua, bà Ngân Lê – một nhà phát triển phần mềm tại Việt Nam – cho biết năm 2016 cộng đồng các nhà phát triển phần mềm của Google tại Việt Nam được đánh giá là phát triển tốt trong hơn 100 cộng đồng trên thế giới. Phần lớn trong số họ là các nhà phát triển phần mềm độc lập, nhóm công ty nhỏ phát triển ra những sản phẩm lớn thu hút nhiều người dùng. Bà nói thêm rằng trong thời gian gần đây tốc độ tăng trưởng về số lượng các nhà phát triển phần mềm tại Việt Nam rất nhanh.
Trong năm 2010, cộng đồng nhà phát triển TechStarup mới được xây dựng tại Việt Nam với quy mô nhỏ thì đến nay đã có tới 10.000 công ty. Một cộng đồng các nhà phát triển phần mềm khác chỉ có 300 thành viên vào năm 2013 nhưng đến nay số thành viên đã lên 12.000 người trên cả nước.
Ông Quang của Vinasa cho biết mặc dù trình độ nhân lực phần mềm của Việt Nam tốt song nhiều doanh nghiệp phần mềm chọn khởi nghiệp ở các quốc gia bên ngoài Việt Nam như Mỹ, Singapore… Điều này cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam dành cho các nhà lập trình còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện, nhất là về hành lang pháp lý. Tại sự kiện Vietnam Mobile Day 2018 diễn ra gần đây, ông Giáp Văn Đại, Giám đốc điều hành của Nami Labs – một trong những doanh nghiệp khởi nghiệp về phần mềm blockchain đầu tiên tại Việt Nam – cho rằng hiện đã có khoảng 20 công ty khởi nghiệp blockchain đang hoạt động tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng nên nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp blockchain đăng ký thành lập ở nước ngoài nhưng các hoạt động chính của những doanh nghiệp này lại diễn ra ở Việt Nam. Nami Labs đăng ký trụ sở chính ở Singapore nhưng 95% lực lượng nhân sự của công ty đang làm việc ở Việt Nam và phần còn lại ở Mỹ và Singapore. Còn tại sự kiện tuần lễ Blockchain Việt Nam được tổ chức mới đây, Giám đốc tiếp thị Infinity Blockchain Labs, bà Nicole Nguyễn, ước tính đã có 20 doanh nghiệp khởi nghiệp về phần mềm blockchain hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn nhiều bởi vì các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam ngại khuôn khổ luật pháp trong nước chưa hoàn thiện nên họ thường đăng ký thành lập công ty ở Singapore.
Những vấn đề về pháp lý
Cuộc hội thảo do Vinasa tổ chức nói trên còn có sự chia sẻ của ông George Nguyễn, người đã làm trong các công ty công nghệ tại Việt Nam khoảng 15 năm và đã mở một công ty luật để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp về thủ tục. Ông nhận thấy trong quá trình tư vấn cho các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, họ thường than phiền là nước ta không có một khuôn khổ pháp lý riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp mà lại ghép họ vào nhóm những doanh nghiệp vừa và nhỏ bình thường. Liên quan đến việc thoái vốn đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nước ngoài nhận được nhiều sự hỗ trợ, và có như vậy họ mới dám mạnh dạn bỏ vốn ra đầu tư. Việc hoàn tất quá trình thoái vốn của doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam mất tới một năm (phải trình giấy tờ ở nhiều bộ ban ngành, đơn vị…), trong khi công việc này ở Singapore chỉ cần một tuần lễ.
Theo ông George Nguyễn, các doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp nhiều điều trở ngại khi một nhóm nhỏ các nhà đầu tư mất rất nhiều thời gian để tự thực hiện các thủ tục thành lập tư cách pháp nhân, đôi khi là làm không đúng các thủ tục theo yêu cầu. Do đó, những nhà đầu tư này nhận thấy việc đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam có nhiều rủi ro. Ông George Nguyễn nói Nghị định 38 đã đề cập đến những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng những chính sách này chưa được cụ thể.
Ông George Nguyễn cũng cho hay nhiều nước làm rất tốt việc gọi vốn cộng đồng và được cơ quan nhà nước hỗ trợ, gọi vốn đầu tư phát triển các sản phẩm trong tương lai. Việc gọi vốn cộng đồng dễ hơn gọi vốn từ các quỹ đầu tư và mất ít thời gian hơn, và điều này rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp vì giai đoạn sống của nhiều doanh nghiệp loại này ngắn. Trong khi ở Việt Nam không có định nghĩa về gọi vốn cộng đồng và nó được xem như hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Trên thực tế, việc thực hiện quá trình IPO của các công ty không dễ dàng và mất nhiều thời gian, ngay cả với các công ty lớn. Như vậy, có thể nói việc gọi vốn cộng đồng vẫn còn “đóng” trong lĩnh vực khởi nghiệp ở Việt Nam.
Bà Ngân cho biết đã từng chứng kiến nhiều công ty khởi nghiệp trên cả nước phàn nàn những việc liên quan đến giấy phép. Chẳng hạn, các công ty thường gặp khó khi xin giấy phép hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phát hành trò chơi. Bà đưa ra nhận xét này khi so sánh với những điều bà đã học và tìm hiểu ở nước ngoài. Bà Ngân nói: “Ngành phát triển trò chơi đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế số của Việt Nam và thế giới nhưng các công ty phát triển trò chơi ở Việt Nam thường không dám ra mặt vì sợ bị trục trặc. Nguyễn Hà Đông với trò chơi Flappy Bird là một ví dụ điển hình. Chủ nhân của trò chơi này muốn thành lập một công ty phát triển trò chơi nhưng e ngại vì có nhiều chính sách chồng chéo về quản lý trong lĩnh vực này”.
Nhằm khắc phục những sự bất cập nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Nghị định này đã có hiệu lực thi hành từ ngày 15-4 vừa qua. Tại hội nghị phổ biến về nghị định này được tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, Nghị định 27 xuất phát từ yêu cầu thực tiễn có sửa đổi bổ sung những điều cập nhật tình hình mới, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nghị định mới giữ lại những quy định hợp lý và bỏ bớt đi những điều không hợp lý.
So với những quy định trong Nghị định 72/2013/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn thi hành, Nghị định 27 đã bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không còn phù hợp nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, hỗ trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động cũng như chuẩn bị hồ sơ cấp phép. Cụ thể đã cắt bỏ năm điều kiện khi xem xét cấp phép, cấp quyết định phê duyệt nội dung kịch bản, cấp giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng gồm: điều kiện về nhân sự chịu trách nhiệm quản lý hoạt động trò chơi điện tử và diễn đàn người chơi phải tốt nghiệp đại học. Nghị định mới cắt bỏ hai thủ tục thông báo trong việc cấp sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1. Bỏ 11 thành phần hồ sơ trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng như: sơ yếu lý lịch nhân sự chịu trách nhiệm quản lý; bản sao giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện từ G1 trên mạng; quyết định phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi điện tử G1 đã được cấp trong thành phần hồ sơ đề nghị sửa đổi bổ sung giấy phép.
Cần hệ sinh thái mạnh cho các nhà lập trình
Ông Đào Đình Khả, vụ trưởng vụ CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng Việt Nam đã có một số chính sách ưu đãi đối với những sản phẩm CNTT trọng điểm, trong đó có sự ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng việc cộng đồng doanh nghiệp chưa hài lòng với những chính sách liên quan cũng là cách giúp các nhà quản lý xem xét, bổ sung các thủ tục sao cho hợp lý. Ông Quang của Vinasa mong Chính phủ sẽ xây dựng một cơ chế thuận lợi để các nhà phát triển phần mềm cũng như ngành phần mềm tại Việt Nam có cơ hội phát triển hơn. Ông cho rằng Việt Nam có nhiều tài năng trong lĩnh vực phát triển phần mềm nhưng cũng cần có cơ chế để thúc đẩy các tài năng này.
Ông Matthies của AlphaBeta nhìn nhận, ngành công nghiệp phần mềm cũng như các nhà phát triển phần mềm của Việt Nam sẽ có tương lai tươi sáng. Nhưng Việt Nam cần cải thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thêm sự hỗ trợ cho các nhà phát triển cũng nhưng các nhà đầu tư. “Nền kinh tế số mang lại cơ hội lớn cho những quốc gia ở các khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á và Việt Nam. Song, Việt Nam phải cải thiện rất nhiều về chính sách để xây dựng một hệ sinh thái vững mạnh cho các nhà lập trình, cần tập trung nuôi dưỡng tài năng số và xây dựng môi trường thúc đẩy đầu tư công nghệ. Để hệ sinh thái các nhà lập trình cũng như ngành phần mềm phát triển thì có nhiều yếu tố quan trọng. Sau nhân lực là môi trường đầu tư công nghệ, phương pháp tính thuế, hệ thống pháp lý…”, ông Matthies nói.
Vân Ly